(HNM) - Chiều 2-7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố Hà Nội đã họp giao ban kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức 642 đoàn thanh, kiểm tra công tác ATVSTP (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó cấp thành phố có 6 đoàn; 46 đoàn cấp quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn có 586 đoàn. Cụ thể, thanh tra ngành y tế và Chi cục ATVSTP đã chủ động kiểm tra, giám sát được 258 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy 163 mẫu của 16 nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm, phát hiện một số mẫu có sử dụng chất bảo quản, tạo ngọt, chất tạo nạc... Theo đó, đã phạt tiền 15 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm có sử dụng phẩm màu công nghiệp, hàn the của 3 cơ sở. Ở lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trong số 364 mẫu rau quả, thịt gia súc, gia cầm do Sở NN&PTNT lấy kiểm nghiệm đến nay có kết quả của 120 mẫu, phát hiện 23 mẫu không bảo đảm ATTP. Riêng tuần qua, Sở Công thương phối hợp lực lượng công an phát hiện thu giữ gần 20 tấn gà nhập lậu, 10 tấn bánh kẹo hết hạn sử dụng...
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, các cấp, ngành đã chủ động và quyết liệt trong hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSTP nên vấn đề ATTP của Hà Nội vẫn đang được kiểm soát tốt. Điều này thể hiện ở số ca ngộ độc thực phẩm giảm mạnh, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm, không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch đề nghị các xã, phường đẩy mạnh công tác thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, phấn đấu đến cuối năm đạt 70% (hiện mới có 58% cơ sở được cấp); chủ động giám sát địa bàn để kịp thời phát hiện sai phạm về ATTP, ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đối với các sở, ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát khu giết mổ gia súc, gia cầm; chợ đầu mối; thực phẩm lưu thông ở siêu thị, nơi bán hàng tập trung. Đặc biệt, phải triển khai thực hiện mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống (thức ăn đường phố) tại 35 phường, thị trấn mới; tiếp tục phúc tra, duy trì hoạt động này tại 100 phường, thị trấn cũ để đánh giá, rút kinh nghiệm, vì Hà Nội là địa phương triển khai điểm của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.