Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Sơ kết Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy

Đức Hải| 19/01/2013 14:24

(HNMO)- Sáng 19-1, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn thành phố. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa tới dự.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội xem một số hình ảnh về xây dựng nông thôn mới. Ảnh Bá Hoạt


Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), 19/19 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã lập xong đề án cấp huyện; 100% số xã lập đề án và tổ chức lập quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, toàn Thành phố đã có 161/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí.

Kết quả thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới: Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 75%; trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia trên 97% theo chuẩn cũ và đạt chuẩn khoảng 30% theo chuẩn mới; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 86%, tỷ lệ được dùng nước sạch 33%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 57,8%; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 45%; 100 % số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2012, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm (đạt 113% so KH năm 2012 và bằng 68% KH đến năm 2015); tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội khu vực nông thôn; lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1%. Năm qua, thành phố Hà Nội đã giải quyết được việc làm cho 135.800 người, tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm và đã tuyển dụng được 25.000 người. Từ năm 2011 đến nay, toàn TP đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được gần 3.830 nhà hư hỏng của hộ nghèo, góp phần làm giảm hộ nghèo của TP từ 7,52% (đầu năm 2011) xuống còn 5,1 % (đầu năm 2012).

Đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 30.002 ha (đạt 153,3% KH), trong đó có một số huyện triển khai thực hiện tốt là: Thanh Oai 1.402,7/500 ha (đạt 280,54% KH); Mỹ Đức 4.021,1/1.467,2 ha (đạt 274% KH); Phú Xuyên 5.000/2.000 ha (đạt 250% KH); Thường Tín 1.823/1.000 ha (đạt 182,3% KH); Sóc Sơn 5.322/3.000 ha (đạt 177,4% KH); Chương Mỹ 6.130/4.000 ha (đạt 153,25% KH); Mê Linh 2.186/1.500 ha (đạt 145,7% KH); Hoài Đức 492/400 ha (đạt 123% KH); Quốc Oai 556,82/500 ha (đạt 111,4% KH); Phúc Thọ 546/500 ha (đạt 109,2% KH); Ứng Hòa 1.500/1.500 ha (đạt 100% KH).

UBND TP đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã 500 tỷ để hỗ trợ các xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP giai đoạn 2012-2016. Đến nay, các huyện, thị xã đã giải ngân được hơn 196.438/500.000 triệu đồng (đạt 39,29% KH). Công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp tiếp tục được các địa phương quan tâm, các vùng sản xuất lúa chất lượng cao; hoa, cây cảnh, rau an toàn, cây ăn quả; các trang trại chăn nuôi quy mô lớn; các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được quy hoạch, đồng thời được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, từ đó sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Chương trình cơ giới hóa được nhiều địa phương áp dụng, nhất là khâu làm đất, gieo cấy, gặt đập liên hợp...; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về công nghệ cao đang được nông dân tích cực ứng dụng hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới. Ảnh Bá Hoạt


Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố lũy kế đến hết năm 2012 hơn 8.514 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hơn 1.491 tỷ đồng (đầu tư trực tiếp 941 tỷ đồng và vốn lồng ghép hơn 550 tỷ đồng); ngân sách huyện 4.053 tỷ đồng; ngân sách xã gần 400 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 304,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 426,2 tỷ đồng (không kể hàng nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động); nguồn huy động khác hơn 162,3 tỷ đồng. Riêng đối với 19 xã điểm, tổng giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.119 tỷ đồng, tổng kinh phí giải ngân hơn 1.324,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tùy tiện theo kiểu truyền thống là chính, do đó bấp bênh, thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Số lượng mô hình và những điển hình tiên tiến, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều; việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế. Sản xuất chưa có thương hiệu sản phẩm, công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả thấp; sản phẩm sản xuất ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản, giá trị nông sản thấp, không có tính cạnh tranh; cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất có nhưng chậm được áp dụng, chưa khuyến khích được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn rất khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí nhiều nơi còn buông lỏng quản lý. Ngoài ra, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, không ổn định, nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế rất khó khăn...

Bí thư Thành ủy trao đổi với nông dân xã Liên Mạc.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa đánh giá cao công tác xây dựng NTM của Hà Nội. Theo ông Khoa, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo TP. Cơ chế chính sách đồng bộ, linh hoạt trong việc tạo nguồn thu cho địa phương xây dựng NTM. Hơn thế, Hà Nội có nhiều cán bộ nhiệt tình, tâm huyết cùng người dân tìm ra cách làm hiệu quả...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, xét về mặt diện tích, dân số, đơn vị xã, phường, thị trấn và nguồn nhân lực, khu vực ngoại thành lớn hơn khu vực đô thị. Chính vì vậy mà nông nghiêp, nông dân, nông thôn là vấn đề hết sức quan trọng đối với Thủ đô. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bởi vậy, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân là 1 trong 9 chương trình công tác lớn của cả nhiệm kỳ Đảng bộ TP khóa XV. Qua 2 năm triển khai chương trình 02 của Thành ủy, kết quả thực hiện cho thấy, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, trên địa bàn thành phố có 40% số xã đạt chuẩn NTM rất khả quan. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, TP Hà Nội cần linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh một số tiêu chí mà Trung ương đề ra để phù hợp với tình hình thực tế, như: chợ, nhà văn hóa, làng văn hóa…

Nhân dịp này, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã khen thưởng cho 27 tập thể và 40 cá nhân (trong đó có Ban Nông nghiệp Nông thôn-Báo Hànộimới) đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội.

Thuyết phục phải kiên nhẫn, chỉ đạo phải quyết liệt


Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Phó ban Dồn điền đổi thửa thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến (Sóc Sơn):
Kinh nghiệm lớn nhất trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là lấy tuyên truyền làm khâu đột phá trên cơ sở công khai, dân chủ. Trong 3 tháng triển khai, thôn đã thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền qua các cuộc họp, qua loa đài truyền thanh. Đối với các hộ còn vướng mắc, lãnh đạo thôn đến tận nhà vận động, giải thích. Nhờ vậy thôn đã hoàn thành công tác DĐĐT, làm 30 tuyến đường, sau quy hoạch dư được 4ha đưa vào làm quỹ đất xây dựng NTM. Bây giờ mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, thửa nhỏ nhất cũng rộng 190m2.

Ông Bùi Trung Sử, Bí thư Chi bộ thôn Thượng, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm:
Thực hiện xây dựng NTM, Chi bộ thôn Thượng đã thông qua nghị quyết về xây dựng làng văn hóa, đặc biệt là xóa hủ tục trong đám tang với quy định gia đình có người qua đời không tổ chức ăn uống linh đình, người đi viếng không ở lại ăn. Ban đầu thực hiện, khi biết tin gia đình nào có người qua đời, lãnh đạo thôn đã đến vận động. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải kiên nhẫn, chỉ đạo phải quyết liệt…

Ông Nguyễn Quang Nhã, xã viên đội 1, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức:
Khi xã có thông báo về dự án xây dựng kè, mặc dù không được bồi thường, hỗ trợ nhưng gia đình tôi đã sẵn sàng. Tôi nghĩ, không kè thì mỗi mùa nước lở là mất đất, mất nhà nên đã vận động gia đình và các hộ xung quanh hiến mà không đòi hỏi đền bù. Gia đình tôi đã hiến 160/450m2 đất thổ cư, các gia đình khác đã hiến tổng 500m2 đất và hàng nghìn cây cối. Đến nay công trình hoàn thành, người dân rất phấn khởi...

Ông Bùi Trung Sử, Bí thư Chi bộ thôn Thượng, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm:
Thực hiện xây dựng NTM, Chi bộ thôn Thượng đã thông qua nghị quyết về xây dựng làng văn hóa, đặc biệt là xóa hủ tục trong đám tang với quy định gia đình có người qua đời không tổ chức ăn uống linh đình, người đi viếng không ở lại ăn. Ban đầu thực hiện, khi biết tin gia đình nào có người qua đời, lãnh đạo thôn đã đến vận động. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải kiên nhẫn, chỉ đạo phải quyết liệt…

Ông Nguyễn Quang Nhã, xã viên đội 1, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức:
Khi xã có thông báo về dự án xây dựng kè, mặc dù không được bồi thường, hỗ trợ nhưng gia đình tôi đã sẵn sàng. Tôi nghĩ, không kè thì mỗi mùa nước lở là mất đất, mất nhà nên đã vận động gia đình và các hộ xung quanh hiến mà không đòi hỏi đền bù. Gia đình tôi đã hiến 160/450m2 đất thổ cư, các gia đình khác đã hiến tổng 500m2 đất và hàng nghìn cây cối. Đến nay công trình hoàn thành, người dân rất phấn khởi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sơ kết Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.