(HNMO)- Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, hiện đã xây dựng xong đề án về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn để trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp sắp tới.
Trên thực tế, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội không dồi dào, cần bảo đảm khai thác có hiệu quả, tiết kiệm. Hiện nay, chủ yếu mới khai thác các loại khoáng sản: cát san lấp, cát xây dựng; đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đá làm xi măng; đất san lấp; đất làm gạch, ngói; Puzolan; than bùn; nước khoáng; cao lanh.
Qua đánh giá cho thấy, do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nên cần áp dụng mức thu phí cao để có kinh phí phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, áp dụng mức thu phí cao còn nhằm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Các loại khoáng sản đề xuất mức thu tối đa theo khung quy định tại Nghị định 74/2011/NĐ-CP, gồm: đất sét, đất làm gạch, ngói; đá làm vật liệu thông thường; các loại đá khác (đá xi măng, puzolan, khoáng chất công nghiệp); các loại cát (cát xây dựng, cát san lấp); đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình, đất làm cao lanh; nước khoáng thiên nhiên.
Riêng than bùn đề xuất thu ở mức tối thiểu theo khung quy định tại Nghị định 74/2011/NĐ-CP với lý do than bùn là loại than có chất lượng thấp hơn các loại than nâu, than mỡ, than an-tra-xit. Trong khi, theo khung tại Nghị định 71/2011 mức thu 6.000- 10.000 đồng/tấn quy định cho tất cả các loại than, kể cả than có chất lượng cao như than nâu, than mỡ, than an-tra-xit. Với mức thu 6.000 đồng/tấn đối với than bùn dù là mức thu tối thiểu nhưng đã gấp 3 lần so với mức thu theo quy định tại Quyết định 21/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.