(HNMO) – Hà Nội hiện có 302.846 xe ô tô các loại, trên 3,6 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, 300 xe xích lô. Tốc độ tăng môtô, xe ô tô khoảng 12-15%/năm; lưu lượng phương tiện tăng 2.400 xe/tháng. Với lượng phương tiện đang gia tăng chóng mặt như trên nhưng hạ tầng cơ sở giao thông lại chưa theo kịp, ý thức người tham gia giao thông rất hạn chế, gây mất an toàn giao thông (ATGT)…
Thực trạng giao thông có nhiều bất cập
Theo ông Trần Nhật Quang – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Hệ thống giao thông tĩnh (điểm đỗ, dừng phương tiện) của thành phố đang không đáp ứng được các nhu cầu phát triển giao thông. Đất dành cho đỗ xe còn thiếu, hiện đạt 1,2% (quy hoạch 5-6%). Luồng giao thông vốn chưa hoàn thiện lại bị tác động tiêu cực bởi một số yếu tố như đỗ xe dưới lòng đường, vật cản dưới lòng đường, người đi bộ sai luật và các điểm ùn tắc. Ngoài các yếu tố khách quan gây cản trở giao thông, hành vi người điều khiển phương tiện cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn. Các lỗi vi phạm nhỏ, đặc biệt là của xe máy rất phổ biến ở Hà Nội. Dòng phương tiện hỗn hợp ô tô, xe máy, xe bus cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn do xung đột giữa các phương tiện này bởi cách thức điều khiển phương tiện khác, hậu quả dẫn tới giao thông hỗn loạn. Phương tiện quá tải có ảnh hưởng tiêu cực đến hạ tầng đường bộ, mặt đường bị xuống cấp nhanh chóng. Bên cạnh đó là ô nhiễm không khí do khí thải từ các phương tiện này.
Để giải quyết tình trạng đỗ xe bừa bãi, gây cản trở giao thông, trong năm 2009, Thanh tra giao thông đã phối hợp cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu thí điểm áp dụng mô hình khoán quản trong việc trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô kết hợp giữa dịch vụ công và trật tự công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, từ hơn 170 chủ thể trông giữ xe hiện nay chỉ còn tồn tại 5 doanh nghiệp thực hiện việc trông giữ xe theo khu vực. Một số quận, huyện nội thành đã triển khai áp dụng theo loại mô hình này như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa triển khai đồng bộ mô hình khoán quản trên địa bàn toàn thành phố; có sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp quy (Nghị định 23/2009 và 146/2007), gây ảnh hưởng đến sự quản lý nhà nước của các lực lượng chức năng trong lĩnh vực giao thông tĩnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2009, Hà Nội đã “mạnh tay” tổ chức lại giao thông như: phân làn đường bằng thảm alsphan màu, đặt giải phân cách tại các đầu nút giao thông; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại các nútgiao thông trọng điểm để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông; tạo các cặp đường 1 chiều để phân luồng các phương tiện như: Quang Trung, Bà Triệu, Tràng Thi, phố Huế…; bố trí lực lượng tại các nút giao thông để tổ chức phân luồng chống ùn tắc giao thông; làm đường hầm, cầu vượt, mở các tuyến đường vành đai như cầu Vọng, cầu Ngã Tư Sở, hầm Kim Liên. Các giải pháp triển khai đã khắc phục được một phần tình hình ùn tắc giao thông.
Mặt khác, trong thời gian qua, Thanh tra giao thông đã tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra nồng độ khí thải đối với các phương tiện hoạt động vận tải hành khách công cộng. Theo đó đã kiểm tra được 60 xe buýt, trong đó có 14 xe vi phạm của các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Bảo Yến, Công ty CP xe khách Hà Tây, Công ty KD tổng hợp Hà Nội, Xí nghiệp xe điện Hà Nội…
Hiện nay nhu cầu tham gia giao thông của người dân trên địa bàn thành phố đặc biệt lớn. Thành phố có 6 bến xe: Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Lương Yên, Hà Đông đang trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân; Xuất hiện xe dù, bến cóc… tình trạng phương tiện đón trả khách sai quy định là phổ biến. Do lượng phương tiện ra, vào bến đông nên công tác quản lý bến của các doanh nghiệp còn một số khó khăn. Hiện nay bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố còn thiếu, công tác quy hoạch các bến xe liên tỉnh chưa theo kịp sự phát triển nhanh của các phương tiện vận tải hành khách…
2011- 2015: phấn đấu giảm số lượng tử vong hàng năm 7%
Trên đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo An toàn giao thông lần thứ 7, do JICA phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức. Trong giai đoạn từ tháng 7/2006 – 3/2010, JICA đã hỗ trợ UBND TP Hà Nội thực hiện dự án Phát triển nguồn nhân lực ATGT TP Hà Nội (TRAHUD). Đối tác của dự án là Ban ATGT, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố.
Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kiến thức xây dựng và triển khai giải pháp ATGT; triển khai dự án ATGT toàn diện, đảm bảo ATGT tại các nút Chùa Bộc – Tôn Thất Tùng; Chùa Bộc – Sơn Tây; Thái Hà – Trung Liệt, tuyến Thái Hà – Chùa Bộc; triển khai tuyến thí điểm phân làn Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt… Bên cạnh đó còn có các dự án thành phần như nâng cao năng lực cho đội cảnh sát mẫu, dự án Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu, dự án Phân tích tai nạn giao thông, dự án Nâng cao năng lực kỹ sư quản lý, dự án Thanh tra giao thông, dự án Văn hóa giao thông…
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã đưa ra kế hoạch ATGT 5 năm tiếp theo (2011- 2015) của Hà Nội.Ban ATGT Hà Nội sẽ là đầu mối thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực ATGT của Hà Nội sau khi dự án TRAHUD kết thúc. Hà Nội sẽ nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu ATGT tích hợp gồm các dữ liệu thành phần như: tai nạn giao thông, vi phạm giao thông, giấy phép lái xe, đăng ký xe, đăng kiểm xe, doanh nghiệp vận tải, hạ tầng (cầu, đường, tổ chức giao thông…). Hà Nội cũng đi trước trong cả nước nghiên cứu thành lập và vận hành các quỹ tài trợ ATGT..
Trong 5 năm tới, để đảm bảo phát triển bền vững nguồn nhân lực ATGT, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng kinh nghiệm của TRAHUD trong việc phát triển nguồn nhận lực ATGT, tiếp tục mở các khóa đào tạo trong và ngoài nước, phát triển năng lực với hỗ trợ bởi dự án ODA, khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực ATGT. Dự kiến kinh phí cho toàn bộ kế hoạch ATGT trong 5 năm tới là 66 triệu USD (ước khoảng 1.213 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong 5 năm tới, Hà Nội đang xây dựng mục tiêu giảm số lượng tử vong hàng năm 7%; Hình thành thói quen tuân thủ luật giao thông ở phần lớn người tham gia giao thông; Tăng cường năng lực và chức năng các cơ quan liên quan đến ATGT đường bộ; Tăng khả năng thông qua và cải thiện ATGT tại các nút, tuyến giao thông; Quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại; Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước (sửa đổi Nghị định 146 cho phù hợp Luật giao thông đường bộ mới đã có hiệu lực thi hành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.