(HNM) - Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đô thị tại 312 tuyến phố, mục tiêu đến năm 2015 trở thành
“Mạng nhện” trên đường phố vừa làm xấu cảnh quan, vừa không an toàn. Ảnh: K.Ng
Hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đô thị là việc làm còn khá mới với Hà Nội. Sau khi triển khai thí điểm, năm 2010 TP đã thực hiện đồng loạt trên 29 tuyến phố trung tâm và đã cơ bản hoàn thành, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Không chỉ TP quyết tâm, đã có 3 doanh nghiệp (DN) tích cực tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa gồm Viễn thông Hà Nội (7 tuyến phố), Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (5 tuyến phố), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (4 tuyến phố).
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai hạ ngầm tại 29 tuyến phố đã bộc lộ một số bất cập. Các tuyến dây trước đây treo tùy tiện, nhiều dây không còn sử dụng nhưng không tháo bỏ, nhiều cuộn cáp dự phòng treo trên cột gây mất mỹ quan và làm rạn nứt, nghiêng cột. Tại không ít khu vực khi triển khai dự án, có những đường cáp không đơn vị nào nhận là của mình. Thậm chí, trên phố Hàng Dầu có dây bị đứt suốt 3 ngày vẫn không có đơn vị nào nhận. Nhưng, nếu TP chủ động cắt thì lập tức có ý kiến phản ứng là gây thiệt hại cho DN và ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngay cả khi đã hoàn thành hạ ngầm (như tại phố Giảng Võ), một số DN vẫn không đấu nối dây với lý do tốn kém chi phí.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, một số dự án chưa tuân thủ tốt biện pháp thi công và công tác bảo đảm vệ sinh môi trường như tại các phố Hoàng Quốc Việt, Phố Huế-Hàng Bài, Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn… Sự phối hợp giữa các sở, ngành với chủ đầu tư trong việc cấp phép, phân luồng tổ chức giao thông, xử lý kỹ thuật và bảo đảm vệ sinh môi trường ở một số khu vực còn chậm. Những bất cập đó dù đã được khắc phục, nhưng ở những dự án sau cần được triển khai đồng bộ hơn nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Sở Xây dựng đã công bố sẽ triển khai hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đô thị tại 312 tuyến phố trong giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.740 tỷ đồng. Trong đó, có 49 tuyến hạ ngầm toàn bộ; 63 tuyến hạ ngầm dây thông tin; 200 tuyến sắp xếp dây đi nổi... Trong cơ cấu nguồn vốn, ngân sách TP sẽ đầu tư khoảng 1.491 tỷ đồng, ngành điện lực 748 tỷ đồng, hơn 500 tỷ đồng còn lại là đóng góp của các DN sở hữu cáp thông tin. Trong năm 2011, TP sẽ dùng vốn ngân sách (khoảng 466 tỷ đồng) triển khai 16 danh mục dự án hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đô thị.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các dự án này được triển khai hướng tới mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội sẽ trở thành "Thành phố không dây". Do đó, TP cần quyết liệt hơn để các dự án phát huy hiệu quả và có giải pháp "gọi" DN điện lực, viễn thông tích cực tham gia xã hội hóa. Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, trong những năm tới cần có kế hoạch cụ thể đối với từng dự án. Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc cấp phép đào đường, đào hè nếu có kế hoạch phù hợp. Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức thi công theo hình thức "cuốn chiếu". Thi công xong phải dọn dẹp công trường và hoàn trả mặt đường, hè bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Trong quá trình thi công, giao thông vẫn phải hoạt động bình thường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi: Trong giai đoạn 2011-2015, các sở, ngành, DN phải có kế hoạch phát triển phù hợp với mục tiêu chung của TP để quá trình triển khai dự án được đồng bộ, bảo đảm mỹ quan đô thị. Sở GTVT tạo mọi điều kiện cấp phép đào hè, đường nhưng phải giám sát chặt chẽ. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế ứng vốn và thu hồi vốn để triển khai từng dự án. Quá trình thẩm định thiết kế, các sở, ngành, DN phối hợp với nhau chặt chẽ để cùng tháo gỡ vướng mắc. TP giao Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc, kiểm tra các DN điện lực, viễn thông… thanh thải đường dây trên các tuyến phố và phải coi đây là một chiến dịch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.