(HNMO) - Đó là điều được đại biểu là các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về công tác phòng chống úng ngập và có nhiều công trình triển khai hiệu quả tại Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia nhấn mạnh khi trình bày tại hội thảo “Chống ngập úng, các giải pháp giúp Thành phố trong công tác ngập úng”, được tổ chức chiều 7-8.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội thảo, cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu; Nguyễn Thế Hùng, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Giao thông Vận tải, Công an Hà Nội… và các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia.
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Cần đầu tư, cải tạo đồng bộ
Giáo sư Hong – Yuan Lee, Khoa Công trình thủy lợi dân dụng, Đại học Đài Loan chia sẻ, Việt Nam cũng giống như đảo Đài Loan, nằm cùng đường xích đạo nên phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Mưa nhiều, nhưng giải pháp chưa hiệu quả, đồng bộ là nguyên nhân gây ra ngập tại Hà Nội. Cùng với đó, Thành phố là khu vực có địa hình trũng thấp, quá trình đô thị hóa nhanh, bên cạch đó, trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thoát nước. GS Lee, người thiết kế hệ thống phòng chống lụt của thành phố Đài Bắc cũng phân tích, Thành phố còn nhiều điểm bị ngập cần phải giải quyết vì những lý do cơ bản như vùng đô thị phát triển mới chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước; hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước chưa được đầu tư đầy đủ, không tiêu thoát được cho nhau ở các lưu vực; chưa có hệ thống quan trắc, dự báo và điều hành hệ thống trạm bơm tiêu úng, vận hành hồ điều hòa trước, trong và sau mưa. Giáo sư Lee giới thiệu khái niệm mới về phòng chống ngập lụt: “Giữ nước thượng lưu, giảm ngập trung lưu, phòng chống ngập lụt hạ lưu” kết hợp các lực lượng đưa Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, phòng ngập lụt hiệu quả, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn và ít thiên tai.
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Malaysia cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng úng ngập tại Hà Nội mỗi khi có mưa lớn là do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ và chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng.
Những đóng góp tâm huyết
Theo GS Lee, Hà Nội cũng giống như thành phố Đài Bắc, quá trình đô thị hóa mạnh, nên lượng nước thấm xuống đất ngày càng hạn chế, nên khi mưa lớn rất dễ gây tình trạng ngập úng. “Để giải quyết tình trạng này, thành phố Đài Bắc đã xây dựng các hồ chứa bên dưới, mỗi khi mưa lớn sẽ là nơi tích trữ, sau đó có quá trình lắng đọng, xử lý trước khi đổ ra các sông” – GS Lee nói – “Việc này rất đơn giản, không mất quá nhiều tiền đầu tư, có thể tận dụng ở những bãi đất trống, khu vui chơi giải trí và đến nay, Đài Bắc đã có thể tự giải quyết vấn đề ngập lụt. Chúng tôi sẵn sàng san sẻ và hỗ trợ Hà Nội trong quá trình này”.
Nhận định quản lý rủi ro về lũ lụt đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế và là yêu cầu cấp bách đối với sự thịnh vượng của các quốc gia, các chuyên gia đến từ tập đoàn JAKS (Malaysia) giới thiệu với Hà Nội mô hình đường hầm thông minh giao thông - chống ngập cho khu vực phía Tây Thủ đô (nơi tập trung nhiều khu đô thị mới, nhà cao tầng). Đường hầm thông minh có 3 tầng, nằm dưới mặt đất 20m; có cửa thoát lũ và thông khí. Ở điều kiện bình thường, khi ít mưa hoặc không mưa, đường hầm mở cửa cho các phương tiện qua lại. Khi mưa ở mức độ trung bình, chế độ SMART được kích hoạt, nước mưa được dẫn vào đường hầm phụ nằm phía dưới đường hầm chính; các phương tiện vẫn qua lại được. Khi có bão lũ, các trạm quan sát sẽ theo dõi nhu cầu đóng cửa đường hầm, các cổng hầm tự động mở để nước mưa tràn vào và thoát lũ ra hồ chứa; sau bão lũ hệ thống đường hầm này sẽ mở cửa lại trong vòng 48 tiếng....
Các giáo sư đến từ Nhật Bản (thiết kế hệ thống chống ngập của TP. Tokyo) cho rằng giải pháp chống ngập của Hà Nội phải là giải pháp tổng thể và cần phải triển khai ngay các giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn - trung và dài hạn. Giáo sư đề xuất giải pháp chống ngập khẩn cấp với các hầm trữ nước; xe bơm di động; hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo ngập toàn diện, tổng thể; thành lập trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC) và kế hoạch điều hành công tác chống ngập…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.