(HNM) - Sáng qua 25-2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đào Văn Bình, UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hiệp thương lần thứ nhất lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII.
Tham dự có các đồng chí: Ngô Thị Doãn Thanh, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy; đại diện các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, các đoàn thể, hội, hiệp hội xã hội, nghề nghiệp…
Thủ đô Hà Nội được TƯ phân bổ 30 đại biểu QH, trong đó số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 19, số đại biểu do TƯ giới thiệu về ứng cử là 11. Ủy ban bầu cử TP dự kiến tổ chức 10 đơn vị bầu cử, nên cần hiệp thương, giới thiệu 50 ứng cử viên vào trong danh sách bầu. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất dự kiến sẽ giới thiệu 57 người để các bước hiệp thương sau sẽ lựa chọn, rút gọn đủ số lượng cần thiết. Về cơ cấu kết hợp, đại biểu nữ dự kiến là 7-10 người, đại biểu ngoài Đảng là 1 người, đại biểu trẻ là 2 người, đại biểu tái cử là 8-10 người… Cơ cấu đại diện gồm có đại diện lãnh đạo chủ chốt TP, đại biểu chuyên trách, đại diện MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà khoa học, doanh nhân, các ngành văn hóa nghệ thuật, giáo dục, y tế, lao động thương binh xã hội, tư pháp, đại biểu công an, quân đội và tự ứng cử. Đáng chú ý, theo dự kiến ban đầu, đại diện doanh nghiệp nhà nước là 6 người, đại diện doanh nghiệp tư nhân là 2 người, đại biểu tự ứng cử là 3 người, đại biểu chuyên trách là 2 (trong đó có 1 nữ).
Hai chủ đề được các đại biểu nêu nhiều ý kiến nhất trong Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là tăng thêm số ứng cử viên là đại diện doanh nghiệp ngoài nhà nước và bổ sung thêm cơ cấu đại diện giới báo chí Hà Nội. Nhiều đại biểu đều cho rằng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Hà Nội chiếm trên 90%, giải quyết việc làm, nộp thuế, công tác xã hội từ thiện đều làm rất tốt. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước đang từng bước được cổ phần hóa, vì vậy, cơ cấu thành phần 6 đại biểu đại diện doanh nghiệp nhà nước là quá nhiều, không cần thiết. Đề cập đến vai trò của báo chí, nhất là báo chí Thủ đô đối với những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, nhiều đại biểu cũng đề nghị nên có thêm ít nhất một đại diện báo chí Hà Nội trong cơ cấu. Trong khi đó, có ý kiến kiến nghị, Hà Nội có 2 triệu thanh niên, nên cần cố gắng để làm đầu tàu cả nước về đại biểu trẻ… Chủ tịch UBMTTQ TP Đào Văn Bình giải thích, cơ cấu, phân bổ của TƯ cho TP không có thành phần báo chí, văn hóa nghệ thuật… nên trước mắt không xét các đề nghị bổ sung.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã biểu quyết bổ sung thêm 3 đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân, nâng số lượng ứng cử viên trong danh sách hiệp thương lần thứ nhất lên 60 người. Hội nghị cũng thống nhất đề nghị TƯ chuyển cơ cấu đại diện tập đoàn kinh tế nhà nước sang cơ cấu đại diện chủ chốt TP…
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP đã chủ trì phiên thứ hai của ủy ban nhằm xem xét tiến độ công việc. Tính đến ngày 25-2, hầu hết những nhiệm vụ cơ bản đã được ủy ban bầu cử các cấp của TP triển khai đúng tiến độ, bảo đảm đúng luật định. Cả cấp TP và 29 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP. Tại phiên họp, Ủy ban đã công bố quyết định bổ sung bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP làm Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP và quyết định thành lập tổ công tác giúp việc ủy ban.
Ủy ban bầu cử TP cũng thống nhất kế hoạch kiểm tra công tác bầu cử với việc tổ chức 9 đoàn kiểm tra, triển khai kiểm tra 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 7-3 đến 11-3, đợt 2 từ 11-4 đến 16-4, đợt 3 từ ngày 16-5 đến ngày bầu cử 22-5.
* Chiều 25-2, Ủy ban MTTQ huyện Chương Mỹ đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, hội nghị đã giới thiệu 88 đại biểu sẽ tham gia ứng cử, bầu 43 đại biểu.
Trước đó, Ủy ban MTTQ quận Hà Đông đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thống nhất giới thiệu 80 ứng cử viên. Danh sách này là cơ sở để các lần hiệp thương tiếp theo tiếp tục rút gọn, đảm bảo số lượng theo quy định nhằm bầu ra 40 đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.