Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Sắp xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng

Thanh Hương| 27/10/2015 15:42

(HNMO) – Nhà máy này sẽ được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội với diện tích 20,5ha. Công suất được thiết kế đến năm 2020 là 300.000m3/ngày đêm.


Tại buổi giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 27/10, ông Lê Văn Dục-Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện công suất cấp nước sạch trên địa bàn thành phố là 900.000m3/ngày đêm, trong đó nguồn nước mặt là 300.000m3/ngày đêm, còn lại là từ nguồn nước ngầm. Trong khi đó, thời gian tới, nhu cầu nước sạch của người dân càng tăng. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nước ngầm cần phải giảm dần, thay vào đó là khai thác nguồn nước mặt bởi nếu tiếp tục khai thác nước ngầm như hiện nay, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, cạn kiệt và gây sụt nền.

Chính vì thế, căn cứ nhu cầu dùng nước theo quy hoạch và công suất hiện có của các nhà máy xử lý nước trên địa bàn Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu dùng nước từ nay đến 2020 và năm 2030, cần phải xây dựng thêm một số nhà máy nước có công suất lớn, sử dụng nguồn nước mặt, và dự án Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt, do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư.

Nhà máy này sẽ cung cấp nước sạch cho 3 huyện phía Tây của thành phố và tối thiểu là 4 quận nội thành, trong đó có quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Phóng viên hỏi những vấn đề liên quan về dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng


Theo bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt sông Hồng (trong đó Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội góp 20% vốn, Công ty CP nước sạch Thành Long góp 79%), nhà máy sẽ được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng trên diện tích khoảng 20,5ha; mạng lưới tuyến ống được xây dựng sẽ qua địa bàn các xã: Liên Hồng, Tân Hội, Tân Lập, Liên Hà, Liên Trung thuộc huyện Đan Phượng; các phường: Thượng Cát, Tây Tựu, Minh Khai, Thụy Phương, Cổ Nhuế, Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm và phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Công suất cấp nước của nhà máy giai đoạn 1 đến năm 2020 được thiết kế là 300.000m3/ngày đêm. Dự án được chia làm 2 đợt; trong đó, đợt 1 (2015-2018), công suất đạt 150.000m3, đợt 2 đến 2020, công suất là 300.000m3/ngày đêm.

Dự án được chuẩn bị đầu tư từ quý 2/2015 đến quý 4/2015, thực hiện từ quý 4/2015 đến quý 4/2020, kết thúc và đưa vào sử dụng từ quý 1/2021. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.692 tỷ đồng.

Theo bà Hiền, công nghệ xử lý nước thô được thực hiện theo các bước: sơ lắng cặn thô-keo tụ-trộn phản ứng-lắng ngang-lọc nhanh-lọc hữu cơ (lọc than hoạt tính)-khử trùng-bể chứa nước sạch. Nguồn nước cấp đến người dân đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí về sử dụng công nghệ đối với dự án này để tránh trường hợp ống nước Sông Đà liên tục bị vỡ như thời gian vừa qua, ông Trịnh Kim Giang-Phó TGĐ Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, việc sử dụng công nghệ phải được lựa chọn kỹ qua nghiên cứu, quan sát theo dõi tần suất, biến động nước ở sông Hồng, dây chuyền công nghệ thiết kế đảm bảo xử lý nước trong mùa khô và mùa lũ, đặc biệt nước mùa lũ nước biến đổi lớn.

Dự án sẽ sử dụng ống gang dẻo, không dùng ống thủy tinh. Khi khảo sát thiết kế thi công, việc khảo sát sẽ được thực hiện chi tiết để sử dụng công nghệ phù hợp, ống nước sẽ không được chôn sâu như dự án nước sông Đà mà chôn nông hơn.

Trước câu hỏi về giám sát của cơ quan quản lý đối với dự án, Lê Văn Dục-Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, theo định mới, từ việc thiết kế, khảo sát, thực hiện xây dựng đến nghiệm thu đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

“Liệu với công suất trên, nhà máy đã tính đến nhu cầu nước gia tăng trong 5 năm tới khi dân số tăng lên”? ông Trịnh Kim Giang cho cho biết, dựa án này đã tính đến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Hiện trên địa bàn thành phố có 4 công ty cấp nước. Năm 2016, nhu cầu dùng nước của người dân sẽ bị thiếu 40.000m3/ngày đêm, năm 2017 thiếu 58.000m3/ngày đêm. Công suất của nhà máy nước sông Đà là 300.000m3/ngày đêm, nhưng do đường ống yếu nên mới chỉ cấp được được 240.000m3/ngày đêm. Vì vậy phải cấp bách xây dựng dự án này.

Về cơ chế cấp nước khi nhà máy nước này đi vào hoạt động, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, áp dụng như cơ chế của nhà máy nước mặt sông Đà, tức nhà đầu tư vận chuyển từ nhà máy qua truyền dẫn, đến thành phố rồi cấp qua đồng hồ tổng. Nước được tính toán tại đồng hồ tổng, đơn giá do liên ngành xây dựng, tính toán cụ thể. Nước phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sắp xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.