Tại giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vào sáng 21-9, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới với lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm xuyên suốt của Hà Nội là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trên tinh thần luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, kể cả các ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận để có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác phòng, chống dịch. Thời gian qua, qua trao đổi với các nhà khoa học, giới doanh nghiệp, nhân dân, các cơ quan báo chí, Hà Nội đã có tiếp thu, tuy nhiên phải kiên định nguyên tắc, bảo đảm mục tiêu đã đặt ra, công việc đã làm và có kết quả; dựa vào người dân và hệ thống chính trị, trong đó sự vào cuộc của người dân mang tính quyết định. Bên cạnh đó, quan điểm của lãnh đạo thành phố là phải chuẩn bị trước một bước so với diễn biến, tình hình của dịch. Đối với các thông tin phản hồi của người dân, cơ quan báo chí, thành phố tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo thành phố xác định chủ động chung sống một cách an toàn với việc có F0 trong cộng đồng. Hà Nội không thể đóng chặt cửa ngõ bởi thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào là rất cao. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ Thủ đô và 33 chốt giáp ranh giữa các quận, huyện của Hà Nội với các tỉnh lân cận. “Cho đến giờ, việc lưu thông của lao động Hà Nội sang làm việc tại các tỉnh lân cận và ngược lại cũng như những người có nhiệm vụ đặc biệt, công vụ... chưa có gì ngăn cách, khó khăn, vẫn được tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm chuỗi cung ứng nhưng thành phố chưa có chủ trương mở cửa để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, lo lắng lớn nhất hiện nay là sự lạc quan thái quá của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, vì trên thực tế Hà Nội vẫn đang là địa phương có nguy cơ. Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định thận trọng, tính toán các bước đi để bảo đảm chủ động chung sống an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố xác định không thể chống dịch một mình, nên cần có sự tham khảo kinh nghiệm thế giới cũng như các địa phương lân cận.
“Mong mỏi của người dân, doanh nghiệp là rất chính đáng nhưng để đạt được thành quả bước đầu như hiện nay là nhờ công sức, sự nỗ lực lớn của các lực lượng, đánh đổi nhiều nhu cầu về kinh tế, thời gian, sức khỏe... Thành phố mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói.
Cũng tại giao ban báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin, thời gian tới, thành phố tiếp tục sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo đúng Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2-9-2021 của Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc cho học sinh đi học trở lại, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, theo phương án sắp tới, Hà Nội yêu cầu các trường học, địa bàn đánh giá các tiêu chí an toàn, từ đó có thí điểm triển khai tại một số vùng bảo đảm an toàn.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.