Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội sẵn sàng các điều kiện cách ly, điều trị cho người nhiễm Covid-19

Hoàng Lân - Ảnh: Quang Thái| 28/02/2020 17:56

(HNMO) - Chiều 28-2, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo chiều 28-2.

Sẵn sàng triển khai 5.000 giường bệnh 

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 28-2, thế giới ghi nhận 83.370 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2.858 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số nước trên thế giới đang có xu hướng dịch gia tăng như Hàn Quốc với 2.022 ca nhiễm, 13 ca tử vong; Italia có 655 ca nhiễm, 17 ca tử vong; Iran có 245 ca nhiễm, 26 ca tử vong; Nhật Bản 214 ca nhiễm, 8 ca tử vong... Trong số này, đáng chú ý nhất là Hàn Quốc với số ca tăng mạnh, bệnh nhân phân bố tại 17/17 tỉnh, tập trung nhiều nhất tại thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang.

Tại Việt Nam, đến nay có 16 trường hợp dương tính với Covid-19, tất cả đều khỏi và được xuất viện. Từ ngày 13-2 tới nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới.

Tại Hà Nội, chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Số người giám sát tại bệnh viện là 85, trong đó có 84 trường hợp xét nghiệm âm tính. 

Thời điểm này, thành phố đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương rà soát, nắm tình hình, thông tin người đi về từ vùng có dịch. Hiện nay, số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.023 người, trong đó từ khu vực Daegu là 33 người (21 người Việt Nam và 11 người Hàn Quốc), từ khu vực Gyeongsang là 19 người (11 người Việt Nam và 8 người Hàn Quốc).

Sở Y tế đã phối hợp với Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức cách ly tập trung cho 1.841 trường hợp đi từ vùng dịch, trong đó có 1.808 trường hợp đi về từ Hàn Quốc. 

Theo Sở Y tế, hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn có khả năng triển khai 5.000 giường bệnh cách ly để điều trị cho người nhiễm Covid-19. Theo kế hoạch, khi dịch bệnh bùng phát thì sẽ lập bệnh viện dã chiến. Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh.

Trao đổi tại cuộc họp, các quận có đông người nước ngoài lưu trú là Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa... cho biết, đến nay đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, nắm bắt số lượng người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập, du lịch trên địa bàn để từ đó thực hiện giám sát, cách ly những người đi, đến từ vùng dịch.

Các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho học sinh trở lại trường học, như: Vệ sinh, phun khử khuẩn lần 5; trang bị các điều kiện vật chất như nhiệt kế điện tử, xà phòng, dung dịch khử khuẩn tại các lớp học; tập huấn cho giáo viên các phương pháp phòng, chống dịch để hướng dẫn học sinh...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị, do vẫn có người đi về từ các nước xảy ra dịch, trong đó có Hàn Quốc, nên thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các phương án giám sát, theo dõi, cách ly những trường hợp này theo tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Đây là thời điểm Hà Nội có nhiều nguy cơ nhất

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, phức tạp. Công dân đến từ 55 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch, đặc biệt số lượng người từ Hàn Quốc về Việt Nam vẫn rất lớn (trong 3 ngày có gần 2.700 người từ Hàn Quốc về Việt Nam), trong đó có nhiều người chưa hết thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly trong vòng 14 ngày. Do đó, tuy chưa có trường hợp lây nhiễm bệnh nhưng đây là thời điểm Hà Nội có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.

Với phân tích trên, cùng với việc theo dõi dư luận của phụ huynh học sinh, nhà trường, UBND thành phố quyết định, đối với 284 cơ sở lao động dạy nghề do thành phố quản lý, sẽ cho học viên đi học trở lại từ ngày 2-3. Đối với những trường quốc tế, sẽ tự quyết thời gian đi học trở lại trên cơ sở ý kiến đồng thuận từ các phụ huynh và sự cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh. Đối với hệ thống các trường từ mầm non đến phổ thông trung học, tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8-3. Với thời gian nghỉ này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, khối phổ thông trung học vẫn có thể bảo đảm được lịch thi chuyển cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đánh giá cao thời gian qua, các địa phương đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các trường với phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm trang thiết bị y tế, vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, trước khi học sinh trở lại trường, các địa phương chuẩn bị đầy đủ những điều kiện bắt buộc: Nhiệt kế điện tử, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tại các lớp học; thực hiện phun khử khuẩn lần 6; tổ chức tập huấn cho giáo viên trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 2.700 trường hợp đi từ vùng dịch về, đang tổ chức phân loại để có hình thức giám sát, cách ly đúng quy trình. Các cơ sở y tế phải thực hiện tiếp nhận, giám sát, cách ly đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với trường hợp đi về từ vùng dịch thì buộc phải cách ly tập trung. Đối với những trường hợp đi về từ những quốc gia có dịch thì thực hiện giám sát, cách ly tại nhà.

"Với trường hợp cách ly tại nhà, đề nghị các địa phương thông tin cho các cơ sở y tế, công khai cho các tổ dân phố để tổ chức giám sát ngay trong cộng đồng dân cư đúng thời gian 14 ngày", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị toàn bộ hệ thống chính quyền thành phố tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch cho người dân về những việc nên làm và không nên làm để người dân nắm bắt tốt thông tin, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tự giác cách ly khi thấy có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Các địa phương phải cung cấp số điện thoại của cơ sở y tế để người dân biết, liên lạc khi cần. Các khu chung cư, tổ dân phố phải trang bị vật tư y tế, vệ sinh môi trường thường xuyên.

Sở Y tế và các đơn vị liên quan phải cập nhật thông tin phòng, chống dịch của Bộ Y tế; tuyên truyền nội dung phòng, chống dịch cho người dân bằng hình thức phát tờ rơi, tờ gấp bằng nhiều thứ tiếng và qua màn hình LED; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, bảo đảm ứng phó với tình huống xấu nhất; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học, khu dân cư... Trong tuần này, Sở Y tế và các đơn vị cần phối hợp hoàn thành kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến.

"Hà Nội đang trong giai đoạn có nguy cơ cao nhất, vì vậy, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp cần nâng cao mức độ cảnh báo, quyết liệt, tập trung, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống. Mọi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, cùng chung tay với thành phố thì chúng ta mới đạt được mục tiêu không để xảy ra trường hợp lây nhiễm bệnh trên địa bàn", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẵn sàng các điều kiện cách ly, điều trị cho người nhiễm Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.