(HNM) - Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt khiến nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Để bảo vệ hơn 23.000ha rừng, ngành kiểm lâm Hà Nội đã quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR), trong đó yêu cầu các địa phương có rừng đẩy mạnh công tác
Lực lượng kiểm lâm và nhân dân thị xã Sơn Tây tham gia diễn tập phòng, chống cháy rừng. |
Thành phố Hà Nội có hơn 23.000ha rừng, tập trung ở 7 huyện, thị xã là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây. Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng (thông, keo, bạch đàn, tre, luồng) và có thảm thực bì dưới tán dày nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng hiện có, ngay từ đầu mùa khô hanh, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án PCCR một cách đồng bộ; chỉ đạo chặt chẽ công tác PCCR đến từng đơn vị trực thuộc; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng đến cộng đồng dân cư. Theo Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp PCCR nên trong mùa khô hanh 2014-2015, số vụ cháy rừng ở Hà Nội đã giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Theo thống kê, nếu như năm 2013 các địa phương có rừng ở Hà Nội để xảy ra 46 vụ cháy, thiêu rụi hơn 32ha rừng thì đến năm 2014 giảm xuống còn 16 vụ, thiệt hại 16ha rừng (chủ yếu là cháy thảm thực bì, gây táp tán lá rừng); 5 tháng đầu năm 2015 chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng, thiệt hại 2,6ha. "Đặc biệt, tại Sóc Sơn, địa phương trước đây là điểm nóng về cháy rừng, năm 2014 chỉ còn xảy ra 12 vụ. Phần lớn các vụ cháy rừng được phát hiện sớm nên đã dập tắt kịp thời, không gây ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng và kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Nguyễn Tiến Lâm cho biết.
Thực hiện Công điện số 03 ngày 29-5 của UBND TP Hà Nội về việc chủ động ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài gây nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục Kiểm lâm đã yêu các hạt kiểm lâm tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực 24/24h trong tháng 6; tổ chức tuần tra, canh gác tại các vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và tạm dừng việc dọn thực bì bằng dùng lửa. Các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCR cho cộng đồng dân cư; kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu dụng cụ, phương tiện PCCR để sẵn sàng tham gia dập lửa khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại... |
Song song với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, tùy từng điều kiện cụ thể mà các hạt kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch bảo vệ và PCCR cho phù hợp. Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn đã thay đổi cơ chế quản lý bảo vệ rừng, xác định trách nhiệm rõ ràng giữa Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng và Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Sóc Sơn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát chung với các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; thường xuyên thông báo về tình trạng cháy rừng tới người dân và tuyên truyền tới học sinh, sinh viên trên địa bàn nên hằng năm số vụ cháy rừng giảm đáng kể. Vào mùa khô hanh hằng năm, Hạt Kiểm lâm Ba Vì đều trích kinh phí để ký hợp đồng trực tiếp với những người có uy tín ở các xã có rừng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và cảnh báo cháy rừng; bố trí kiểm lâm viên canh gác ở những khu vực có nguy cơ cháy rừng để ngăn chặn người dân mang lửa vào rừng đốt ong lấy mật, đốt thực bì không đúng quy định..., góp phần đáng kể vào công tác quản lý, bảo vệ PCCR trên địa bàn.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Quang Tiến, để nâng cao ý thức bảo vệ rừng và PCCR cho người dân, trong 7 tháng khô hanh, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCR cho hơn 500 cán bộ, nhân dân, tổ đội xung kích, chủ rừng của 7 huyện, thị xã có rừng; tổ chức 14 đợt tuyên truyền lưu động đến tận thôn, xóm có rừng; phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn các xã có rừng... Bên cạnh đó, ở khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức hội nghị liên kết giữa các tỉnh có rừng là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Nguyên để trao đổi kinh nghiệm, xây dựng phương án PCCR, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quy chế phối hợp tham gia chữa cháy, bảo vệ rừng giữa các địa phương để kịp thời ngăn chặn phá rừng, cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, chi cục ký thỏa thuận với Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các đơn vị bộ đội thường trực tham gia PCCR trong 7 tháng mùa khô hanh. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các ngành, các địa phương trong PCCR, ý thức của người dân về công tác bảo vệ và PCCR ngày càng được nâng cao nên đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.