Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm: không thể chậm nữa (bài 2)

Lương Ninh Giang| 27/08/2013 06:47

(HNM) - Trong những ngày tháng 8-2013 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp đi thị sát công tác GPMB và thi công các dự án giao thông trọng điểm.

Bài 2: Chủ động vào cuộc

(HNM) - Trong những ngày tháng 8-2013 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp đi thị sát công tác GPMB và thi công các dự án giao thông trọng điểm. Khẳng định tiến độ GPMB không thể chậm hơn nữa, ngay tại các công trường, Chủ tịch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Chậm vì đâu?


Vướng mắc lớn nhất tại hầu hết các dự án là do thay đổi cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB dẫn tới khó khăn trong việc xác định giá đất ở làm căn cứ đền bù. Trước đây, để xác định được giá đền bù sát giá thị trường trong điều kiện bình thường, TP quy định các quận, huyện phải mời các cơ quan thẩm định giá độc lập tham gia. Tuy nhiên, quy định này đã làm nảy sinh vướng mắc. Đại diện các quận, huyện nhìn nhận việc bồi thường theo giá thị trường là phù hợp nhưng cho rằng quá trình thẩm định giá đang tốn rất nhiều thời gian. Một số quận, huyện đã thuê tư vấn thẩm định giá nhưng mãi vẫn chưa lập được chứng thư thẩm định giá bởi lúng túng trong việc hiểu và thực hiện các quy định.

Trước tình hình đó, ngày 18-7-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND về việc quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư (TĐC) làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Theo đó, trong trường hợp xác định giá đất ở làm căn cứ để bồi thường hỗ trợ, nếu giá đất ở do UBND TP quy định tại thời điểm sau thông báo thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, UBND cấp huyện nơi thu hồi đất tổ chức kiểm tra, khảo sát giá đất trên địa bàn, đề xuất điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế; báo cáo Sở Tài chính chủ trì cùng liên ngành thẩm định theo quy định, trình UBND TP phê duyệt. Theo đánh giá của hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB các quận, huyện, với quy định mới này, cơ bản vướng mắc về xác định giá đất ở làm căn cứ đền bù đã được tháo gỡ.

Thực hiện tốt công tác GPMB sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: Huy Hùng


Một vướng mắc lớn nữa là vấn đề quỹ nhà, quỹ đất TĐC để di dời các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Riêng trên địa bàn huyện có 4 khu TĐC lớn là Phù Lỗ, Quang Tiến, Mai Đình - Tiên Dược và Trung Giã để bố trí TĐC cho các hộ dân phải di chuyển phục vụ xây dựng các dự án đường nối Sân bay quốc tế Nội Bài - cầu Nhật Tân, quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên… Việc bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng các khu TĐC hiện đang gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đến triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Một số hộ dân thôn Thái Phù (xã Mai Đình) được bố trí TĐC ở khu Tiên Dược-Mai Đình nhưng khu mới này lại cách nơi canh tác đến 4km, gây khó khăn cho người dân.

Không chỉ vướng mắc về căn cứ xác định giá đất, quỹ đất TĐC, người dân tại một số dự án còn thắc mắc về giá đền bù thấp. Ngoài ra, một số chủ đầu tư lại chưa kịp thời chuẩn bị nguồn vốn để bố trí chi trả cho dân…

Phải chủ động hơn

Xung quanh khó khăn trong việc xác định giá đất ở làm căn cứ đền bù, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, đến thời điểm này, mọi cơ chế, chính sách GPMB về cơ bản đã được TP tháo gỡ. TP đã yêu cầu Ban Chỉ đạo GPMB TP xuống hướng dẫn cho các quận, huyện giải quyết. Điều quan trọng là các quận, huyện phải chủ động vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước và TP. Đối với trường hợp chây ỳ, cố tình chống đối, cần cương quyết thực hiện đúng các quy định pháp luật như xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thu hồi đất. Các đơn vị chủ đầu tư của Bộ GTVT cũng như của TP phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của TP và quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Đề cập trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt bày tỏ: Địa phương nào cũng muốn bàn giao nhưng phía nhận mặt bằng phải thi công sớm để tránh tái lấn chiếm. Hiện nay, có một số điểm đã được GPMB và bàn giao đất nhưng khâu thi công rất chậm, vừa gây bức xúc trong nhân dân vừa khó cho công tác quản lý của địa phương.

Đánh giá chung về tình hình triển khai công tác GPMB các dự án trọng điểm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, dù đã có những bước chuyển biến song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một số dự án đang rất chậm và đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch. Công tác GPMB không thể chậm hơn nữa. Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền vận động, không thể để một bộ phận nhỏ làm ảnh hưởng tới cả một chủ trương lớn của Chính phủ, TP. TP sẽ thực hiện cơ chế thưởng tiến độ đối với những hộ chấp hành tốt chủ trương, tự nguyện bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Ngoài ra, Sở Xây dựng phải bảo đảm quỹ nhà TĐC. Khu TĐC tại địa bàn các huyện cần được ưu tiên triển khai. Các chủ đầu tư phải linh hoạt hơn trong tổ chức thi công và triển khai thi công ngay tại khu vực đã có mặt bằng, đồng thời bố trí đầy đủ nguồn vốn để sẵn sàng chi trả cho người dân…

Về vấn đề chống tái lấn chiếm, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Chủ đầu tư phải tự giải quyết vấn đề này hoặc phải phối hợp với các quận, huyện vì sau khi giao mặt bằng, quận, huyện đã hoàn thành nhiệm vụ. UBND TP đồng ý cưỡng chế một số hộ dân tái lấn chiếm vì rõ ràng những hộ này có hành vi làm kéo dài dự án, gây tổn thất cho xã hội nên phải xử lý bằng pháp luật chứ không thể chỉ xử phạt tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm: không thể chậm nữa (bài 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.