(HNMO) - Việc thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ. Vì thế, năm học 2021-2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia
Những năm gần đây, cùng với cả nước, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội được hỗ trợ 30% phí đóng BHYT. Riêng trẻ mầm non, học sinh, sinh viên là con thương binh, liệt sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội, cán bộ cơ yếu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia BHYT, nên số học sinh, sinh viên tiếp cận chính sách này ngày càng tăng. Đến thời điểm kết thúc năm học 2020-2021, toàn thành phố có hơn 2,04 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt 97,91% tổng số học sinh, sinh viên, tăng 1,84% so với năm học trước. Đặc biệt, khối trung học phổ thông thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 99%.
Khi đi khám, chữa bệnh BHYT, học sinh, sinh viên được sử dụng dịch vụ y tế và thụ hưởng đầy đủ quyền lợi như các nhóm đối tượng khác. Theo thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, riêng năm học 2020-2021, các cơ quan chức năng thành phố bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT nội trú cho 67.834 lượt học sinh, sinh viên với chi phí bình quân của mỗi đợt điều trị gần 5 triệu đồng. Một số học sinh, sinh viên không may mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí khám, chữa bệnh lớn đã được Quỹ BHYT chi trả như Nguyễn Văn C (sinh ngày 1-1-2002), bị viêm cột sống dính khớp, được chi trả với số tiền hơn 833 triệu đồng; Vũ Thanh T (sinh ngày 21-10-2011), bị bệnh bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp, được chi trả với số tiền 793 triệu đồng. Trường hợp khác là Nguyễn Tiến V (sinh ngày 3-4-2009), bị bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định, được chi trả với số tiền hơn 741 triệu đồng…
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia BHYT, trong đó có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên Thủ đô được thụ hưởng nhiều chính sách mới ưu việt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1-1-2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.
Nhiều giải pháp thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia
Để học sinh, sinh viên được bảo vệ bởi chính sách an sinh xã hội, Hà Nội phấn đấu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2021-2022. Theo đó, các ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu này.
Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, đơn vị đã có văn bản đôn đốc BHXH các quận, huyện, thị xã tham mưu chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên, đưa chỉ tiêu phát triển BHYT học sinh, sinh viên là tiêu chí để đánh giá thi đua của các cơ quan, đơn vị, trường học. Công tác truyền thông về BHYT học đường được tổ chức bằng nhiều hình thức, qua internet, nền tảng di động, các phương tiện truyền thông, tuyên truyền trực quan...
BHXH thành phố cũng lưu ý, các địa phương, nhà trường thu tiền tham gia BHYT của học sinh, sinh viên phải linh hoạt, để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh vào thời điểm đầu năm học. Mức đóng có thể chia đóng theo 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, chỉ thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Dưới góc độ triển khai chính sách, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho hay, từ giữa tháng 8-2021, huyện đã có văn bản yêu cầu các phòng, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn và hiệu trưởng các trường học trên địa bàn quan tâm phát triển BHYT học sinh, sinh viên. Theo đó, các nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT đến học sinh, phụ huynh thông qua giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh... Với những học sinh, sinh viên chưa tham gia, các nhà trường có giải pháp truyên truyền, vận động phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng.
Sau khi hiểu rõ về chính sách BHYT, chị Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Học sinh chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ cho cả năm học, nhưng được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Do đó, tôi sẽ đăng ký tham gia BHYT năm học 2021-2022 cho cả 3 người con đang ở độ tuổi đến trường”.
Tương tự, các cơ quan chức năng quận Hoàng Mai chủ động đưa chính sách BHYT đến từng đơn vị, trường học, phụ huynh, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Lê Thị Quyên nói: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian này, học sinh, phụ huynh không thể đến trường nghe giáo viên phổ biến trực tiếp. Vì thế, để học sinh được tiếp cận với chính sách BHYT, nhà trường chủ động phối hợp với BHXH quận Hoàng Mai hướng dẫn 100% giáo viên, người lao động, học sinh cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, qua đó, học sinh có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử để khám, chữa bệnh”.
Bước vào năm học mới 2021-2022 giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng không dễ hiện thực hóa mục tiêu có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Song, với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng từ thành phố tới cơ sở, sự tham gia tích cực của phụ huynh, học sinh, sinh viên, hy vọng chính sách ưu việt này sẽ là điểm tựa an sinh vững chắc cho thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.