Hà Nội đặt mục tiêu thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại để gắn sản xuất với tiêu dùng, liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, phân phối trong và ngoài nước.
Đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng thương mạinội địa. Ảnh: Nguyên An
Theo đề án phát triển thương mại trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của Thủ đô; đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng của thương mại nội địa theo hướng hiện đại. TP sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các TTTM tầm cỡ quốc tế, TTTM, cửa hàng tự chọn, siêu thị tại các khu đô thị mới. Cụ thể, sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn có diện tích hơn 10.000m2 hiện nay thành các chợ trung tâm của quận, TP với quy mô chợ hạng 1, từ đó hình thành các khu TTTM. Từng bước chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích dưới 2.000m2 thành siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi; di dời chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại ô để xây dựng với quy mô lớn hơn. Phát triển mạng lưới siêu thị trong khu vực nội thành cũ, gồm cụm đô thị trung tâm văn hóa lịch sử Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và cụm đô thị trung tâm TP. Trong đó đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, xây dựng mới một số siêu thị quy mô hạng 3. Cụm đô thị khu vực trung tâm TP tại quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, sẽ đầu tư nâng cấp siêu thị hiện có, xây dựng mới siêu thị hạng 2 tại các chợ cũ có quy mô hơn 5.000m2 ở khu vực di dời các cơ quan hành chính. Khu vực nội thành mới sẽ xây dựng đại siêu thị và siêu thị hạng 2 ở những vị trí giao thông thuận lợi và ở các khu đô thị mới, như khu trung tâm hành chính mới nằm tại quận Tây Hồ, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm; khu phía tây Hà Nội tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân...
Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 TTTM các loại và 178 đại siêu thị, 8 chợ đầu mối, trong đó có 2 chợ đầu mối cấp vùng quy mô lớn, diện tích dự kiến 50ha/chợ, đặt tại đường 5 kéo dài và địa phận huyện Thường Tín; 6 chợ đầu mối cấp TP, gồm cả chợ đầu mối Quảng An dành cho hoa, cây cảnh các loại.
TP chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, mời gọi nhiều thành phần kinh tế cùng góp vốn xây dựng, hiện đại hóa chợ, tăng cường văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu rộng rãi của mọi tầng lớn nhân dân. Khu vực nông thôn, sẽ tập trung cải tạo, di dời, xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh quy mô hạng 3 ở các xã. Riêng 40 xã miền núi, xã nghèo thuộc 10 huyện ngoại thành chưa có chợ, sẽ dùng vốn ngân sách để xây dựng chợ dân sinh.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi, TTTM… cần nâng cấp chợ truyền thống, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại. Toàn TP hiện có 362 chợ được xếp hàng từ loại 1 đến chợ đầu mối (chưa kể chợ cóc, chợ tạm). Hệ thống này giữ vai trò phân phối khoảng 40% lượng hàng hóa đến người dân, góp phần giải quyết số lượng lớn lao động. Để phát triển chợ truyền thống trở thành kênh phân phối hàng hóa quan trọng bên cạnh hệ thống siêu thị, TTTM, sẽ từng bước đầu tư nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất. Trong quá trình quy hoạch, xây dựng lại hệ thống chợ, hệ thống tổ chức, quản lý sẽ được kiện toàn để mỗi chợ có một đặc trưng riêng, như chợ bán buôn, chợ bán lẻ, chợ phục vụ khách du lịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.