(HNMO) - Sáng 29-4, tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2021 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
Dự lễ phát động có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng, đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng và hơn 400 người lao động đại diện cho hàng triệu công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Hà Nội.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, vệ sinh lao động, thành phố Hà Nội phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 trên phạm vi toàn thành phố, diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5.
Dịp này, 30/30 quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và yêu cầu mọi người, mọi nhà, mọi ngành chung tay thực hiện. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động; đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ… Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đề nghị, các sở, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc; chú trọng bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động ở khu vực không có quan hệ lao động, trong ngành nông nghiệp, làng nghề…
Người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động...
Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội đã khen thưởng 16 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.
Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, làm 402 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) tăng 13 vụ so với năm 2019. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn lao động. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng với 45,6% tổng số vụ việc, tiếp đến là lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, lắp ráp linh kiện… Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và do người lao động chủ quan, lơ là…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.