Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phấn đấu xây dựng hệ thống giao thông bền vững

28/11/2010 06:49

(HNM) -Thành phố Hà Nội đã đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, từ đó xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, bảo đảm khả năng giao thông thông suốt cho mọi nhu cầu vận tải...

Đại lộ Thăng Long đưa vào sử dụng, đáp ứng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt


Thành phố sẽ lập quy hoạch giao thông đô thị giai đoạn 2010-2030, tầm nhìn đến 2050; định hướng phát triển cho từng loại hình phương tiện giao thông đô thị bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Thành phố tiếp tục cải tạo và phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu hành an toàn thuận lợi; ưu tiên phát triển hạ tầng cho phương tiện giao thông công cộng (làn dành riêng cho xe buýt, hạ tầng đường sắt đô thị, hạ tầng metro). Tiếp đó, phải kiểm soát chặt chẽ và có định hướng đầu vào (khâu nhập khẩu, sản xuất và đăng ký phương tiện), tạo điều kiện cho việc phát triển phương tiện công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng quá trình vận hành, từng bước nắm rõ chất lượng và kiểm soát chất lượng các phương tiện vận hành để có kế hoạch đổi mới, thay thế phù hợp các phương tiện cũ, nát, lạc hậu, gây ô nhiễm. Thành phố quản lý chặt chẽ và có định hướng trong quá trình sử dụng theo hướng ưu tiên phương tiện vận tải hành khách công cộng và giao thông không động cơ, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là trong phạm vi lõi đô thị. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tăng cường nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Theo số liệu thống kê, hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 300 ngàn ô tô, 3,5 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, chưa kể số phương tiện vãng lai hoạt động hằng ngày trên địa bàn thành phố. Phương tiện hai bánh chiếm tới 80%, xe con chiếm 8% nhưng đang tăng lên nhanh chóng (mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2000-2010 là khoảng 20%/năm). Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh chóng và mất cân đối, phương tiện cá nhân (xe máy, xe con) tăng khá nhanh trong khi xe buýt tăng nhưng với tỷ trọng thấp. Chất lượng mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn một số lượng lớn phương tiện cũ, lạc hậu (xe máy, xe khách, xe tải) là nguồn gốc cho ô nhiễm và tai nạn giao thông, chưa có phương tiện tiên tiến, chất lượng cao, sử dụng nhiên liệu sạch được đưa vào sử dụng. Công tác quản lý phương tiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có giải pháp kiềm chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy, xe con làm gia tăng áp lực cho hạ tầng giao thông, gây ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu xây dựng hệ thống giao thông bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.