(HNM) - Đến nay, các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội đã thu hút được 508 dự án, trong đó có 240 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3.533 triệu USD và 268 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 11.160 tỷ đồng. Ban quản lý (BQL) các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, năm 2010 sẽ phấn đấu thu hút 180 triệu USD vốn đầu tư vào các KCN.
Thiếu đất "sạch" để thu hút đầu tư
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Sumitomo (KCN Bắc Thăng Long) Ảnh: Thảo Nguyên
Hà Nội hiện có 16 KCN, khu công nghệ cao (KCNC) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động với tổng diện tích 1.235ha, diện tích lấp đầy được 1.056,35ha (đạt 86%). Các KCN đang hoạt động như Bắc Thăng Long (274ha), Sài Đồng B (49ha), Nam Thăng Long (30ha), Nội Bài (100ha)... đã lấp đầy 100%. KCN Thạch Thất - Quốc Oai (155ha), tỷ lệ lấp đầy đạt 95%, đang được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như khớp nối giao thông giữa hai cụm công nghiệp Quốc Oai và Phùng Xá, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; KCN Quang Minh 1 (407 ha), tỷ lệ lấp đầy được 80%, diện tích mở rộng còn lại 63ha đang làm các thủ tục giải phóng mặt bằng (GPMB); KCN Hà Nội - Đài Tư (40ha) mới lấp đầy được 60%, đang hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải, đường giao thông chính và đường gom vào KCN đang trong giai đoạn GPMB; KCN Phú Nghĩa (170ha) đã lấp đầy được 65%, diện tích còn lại đang GPMB. Các KCN, KCNC đã được phê duyệt, như Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Quang Minh 2 và KCNC sinh học Từ Liêm, khu công viên công nghệ thông tin Him Lam đang làm thủ tục thu hồi đất và GPMB với tổng diện tích quy hoạch 1.148ha. UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng DĐK lập quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với KCN sạch Sóc Sơn; KCN Phú Cát và KCNC Đông Anh đang lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của Hà Nội vào các KCN. Bên cạnh đó, việc thiếu quỹ đất "sạch" cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế nhà đầu tư nước ngoài vào các KCN Hà Nội. Diện tích đất có cơ sở hạ tầng để cho các nhà đầu tư thứ phát thuê hiện chỉ có khoảng hơn 20ha, nhưng lại nằm rải rác ở các KCN. Sự thất thường của thị trường bất động sản trong năm qua khiến giá thuê đất đã có hạ tầng cao hơn rất nhiều so với năm 2008 cũng làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Hiện, giá thuê đất tại các KCN ở Hà Nội cao nhất, gấp 5 lần so với các KCN khác (KCN Đài Tư - Hà Nội đã lên mức 150 USD/m2/thời hạn thuê đất tối đa (38 năm); tại KCN Sài Đồng B và Nam Thăng Long lần lượt là 125 USD/m2/41 năm và 100 USD/m2/44 năm). Ngoài ra, do tiến độ GPMB ở các KCN còn phức tạp, chi phí cao nên chậm đưa vào khai thác. Mặc dù thành phố đã có nhiều động thái tích cực trong việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy trình "một cửa", cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhưng chưa đủ mạnh để "gọi" đầu tư.
Cần nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư
Năm 2010, Hà Nội phấn đấu thu hút 180 triệu USD vốn đầu tư vào các KCN; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, phấn đấu tổng doanh thu tăng 11-13%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12-13% so với năm 2009. Để đạt mục tiêu trên, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, đồng thời sẽ phối hợp với các thương vụ của nước ta tại các nước để tìm các DN nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư (NĐT) có tiềm năng lớn về tài chính, công nghệ, các tập đoàn đa quốc gia ở các nước châu Âu, châu Mỹ và các nước phát triển khác, như các Tập đoàn Intel, Microsoft, Braun, ExxonMobil, Toyota, Honda, Sony... đầu tư vào KCN. Đồng thời, giới thiệu tiềm năng phát triển công nghiệp, những cơ chế, chính sách ưu đãi của Hà Nội đối với các NĐT, tạo điều kiện tốt nhất cho các NĐT về thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở trong quá trình triển khai, xây dựng dự án. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích những NĐT trực tiếp nước ngoài; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN phát triển đồng bộ, bền vững.
Những yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư vào các KCN Hà Nội trước đây không còn là lợi thế cạnh tranh. Hiện điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi là những cải cách về thủ tục hành chính, trình tự thủ tục xin đất cho đến khi cấp phép đầu tư và cả quá trình hoạt động của nhà đầu tư sau này; ưu thế về nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao; ưu thế về các dịch vụ hỗ trợ, về vị trí và đặc thù kinh tế - xã hội của Thủ đô... Đó mới là những nhân tố tạo nên môi trường hấp dẫn thu hút các DN khi đầu tư vào các KCN Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.