(HNM) - Buổi gặp mặt các nhà văn hóa, khoa học có đóng góp cho hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10-1 thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Hà Nội dành cho đội ngũ trí thức.
154 đại biểu đã có mặt. Những lời tâm sự, chia sẻ thể hiện tấm tình luôn hướng về Thủ đô, vì Thủ đô của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu.
Các nhà khoa học trong buổi gặp mặt. Ảnh: Linh Tâm |
Mảnh đất cho tài năng
Chia sẻ cảm xúc của mình, GS Sử học Lê Văn Lan ví von rằng "Thủ đô Hà Nội là mảnh đất màu mỡ, trữ lượng các vấn đề khoa học rất lớn. Những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi không mong muốn gì hơn là tìm được mảnh đất màu mỡ ấy để đầu tư công sức". Còn với GS-AHLĐ Vũ Khiêu thì trong thời gian chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mỗi ngày ông làm việc 12 tiếng. GS nói rằng, "trời cho tôi sống thêm ngày nào thì ngày đó tôi còn viết sách, còn nghiên cứu về Hà Nội".
Quả đúng như vậy. Thăng Long - Hà Nội không chỉ là "mảnh đất màu mỡ" để giới khoa học "canh tác", giới nghệ sĩ thể hiện cảm hứng sáng tạo mà còn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhân dân. Cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm Văn hiến và Anh hùng" thu được gần 3,3 triệu bài dự thi của mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động sáng tác về đề tài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được đông đảo văn nghệ sĩ, người dân hưởng ứng với 424 tác phẩm các loại. Nhiều bộ phim, nhiều tác phẩm sân khấu về Thăng Long đã được hoàn thành, mang tới cho người xem nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.
Đặc biệt, Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" do GS, AHLĐ Vũ Khiêu làm chủ biên với sự tham gia biên soạn của hàng trăm nhà khoa học trong 5 năm đã hoàn thành trước Đại lễ. Tủ sách gồm hơn 100 đầu sách, là kho tri thức, nguồn tư liệu vô giá cho những ai quan tâm đến Hà Nội, yêu Hà Nội. Công trình Bách khoa thư Hà Nội do GS Lê Xuân Tùng chủ biên, gồm 18 tập, có sự đóng góp công sức của gần 200 nhà khoa học, đã hoàn thành sau 17 năm biên soạn. Nhiều nội dung của Công trình khoa học cấp Nhà nước mang mã số KX.09 - "Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và giá trị lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ sự phát triển Thủ đô", do GS-TS Phùng Hữu Phú làm chủ nhiệm, đã góp phần vào việc xây dựng định hướng phát triển Thủ đô trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước...
Việc 3 di sản văn hóa của Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010, bao gồm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 Bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đều có sự tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức của đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành. Như Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Không thể kể hết được những đóng góp cụ thể của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ bởi trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của Thủ đô đều có dấu ấn của các nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước.
Cung Trí thức đầu tiên
Kể lại quá trình tạo nên những công trình nghiên cứu quan trọng, GS-AHLĐ Vũ Khiêu cho biết, GS cùng các cộng sự đã nhận được sự quan tâm về mọi mặt của thành phố Hà Nội. Dù không có nhiều thời gian nhưng Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm tiến độ các công trình và động viên các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, tài năng cho Thủ đô. Khó khăn, vướng mắc của các nhà khoa học được các cơ quan hữu quan của thành phố giải quyết nhanh chóng.
Cùng chung suy nghĩ, NSƯT Đặng Mai Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Tổng đạo diễn chương trình khai mạc 10 ngày Đại lễ tâm sự: "Chương trình khai mạc 10 ngày Đại lễ là sự kiện lớn bậc nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi, khó khăn nhiều, thử thách cũng nhiều. Tôi đã hợp tác với nhiều địa phương và không phải địa phương nào cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên luyện tập như Hà Nội". Thủ đô còn có chính sách ưu đãi, tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ thông qua việc công nhận danh hiệu, tổ chức lễ hội, diễn đàn văn hóa, chương trình biểu diễn. Việc quyết tâm xây dựng Nhà hát Thăng Long trong thời gian tới chính là một ví dụ thể hiện sự quan tâm này. Tương lai gần, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách về việc sử dụng và phát huy nguồn chất xám của các cơ quan TƯ, các trường học đóng trên địa bàn Thủ đô, của kiều bào ta ở nước ngoài và kèm theo đó là chế độ đãi ngộ, tôn vinh công sức của các nhà khoa học, các nhà văn hóa một cách thỏa đáng.
Sự quan tâm tới hoạt động của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ không chỉ được thể hiện trong dịp Đại lễ. Hà Nội đã cho xây dựng Cung Trí thức đầu tiên của cả nước, ngôi nhà chung của giới khoa học. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Thành phố sẽ ưu tiên cho các hội, trung tâm, tổ chức làm công tác nghiên cứu khoa học đặt trụ sở làm việc tại Cung Trí thức.
Mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về mọi mặt trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011-2015 sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu sự đóng góp của các nhà khoa học, văn hóa. Bởi thế, trong buổi gặp mặt đầu tiên của năm 2011, Bí thư Thành ủy đã bày tỏ mong muốn đội ngũ các nhà văn hóa, khoa học tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hà Nội là nơi hội tụ tài năng và là nơi các tài năng được tạo mọi điều kiện để tỏa sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.