(HNM) - Các ngành, các cấp đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần đưa kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2014 đạt kết quả quan trọng, tích cực. Đó là nội dung được khẳng định tại cuộc họp tập thể UBND thành phố thường kỳ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng
Nhiều lĩnh vực duy trì tăng trưởng
Báo cáo dự thảo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 của UBND thành phố cho thấy: Từ đầu năm đến nay, Hà Nội nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển KT-XH. Các ngành, các cấp đã chủ động xây dựng chương trình công tác nhằm cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Do đó, trong điều kiện khó khăn, thách thức lớn (số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp… ) nhưng ở nhiều lĩnh vực đã đạt kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 8,1% (quý I là 6,6%). Đáng chú ý, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần. Số lượng nhà, căn hộ tồn kho đã giảm 1.612 căn (còn 5.366 căn); đã có hơn 1.600 giao dịch bất động sản thành công, bằng 145% của cả năm 2013. Giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực dịch vụ, xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế với kim ngạch ước tăng 14,4%. Một số mặt hàng như điện tử, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, may, dệt tăng trên 20%; riêng nhóm hàng giày dép và các loại sản phẩm từ da tăng gần 50%...
Dệt may vẫn là ngành giữ được nhịp độ tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2014.Ảnh: Nhật Nam |
Thực hiện Chỉ thị về "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt. Qua đó, tạo sự chuyển biến đáng kể, giải tỏa dứt điểm 97/209 tụ điểm chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; duy trì hệ thống chiếu sáng, bảo đảm tỷ lệ sáng 98% trên các tuyến phố chính; trồng mới hơn 20.000 cây trên đường phố… Ở các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch; quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường; văn hóa, giáo dục - đào tạo; khoa học công nghệ; cải cách hành chính… cũng đã có chuyển biến tích cực.
Cần những giải pháp cụ thể
Dù duy trì được mức tăng trưởng, song, có thể thấy mức tăng thời gian qua đạt thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm của ngành công nghiệp giai đoạn từ 2010-2014 lần lượt là: 11,7%, 10,4%, 8,1%, 7,3% và 6,4%. Ngành dịch vụ không có tăng trưởng bứt phá; thị trường bán buôn và bán lẻ kém sôi động; nhập khẩu giảm ở tất cả các khu vực kinh tế...
Thảo luận tại cuộc họp, hầu hết đại diện các sở, ngành mới chỉ nêu được kết quả và những khó khăn mà chưa đưa ra được giải pháp khắc phục. Chỉ có một số ý kiến đề cập đến hướng hoạt động cũng như đề xuất thành phố và các đơn vị liên quan cùng phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ thời gian tới. Đại diện Sở GT-VT đề xuất, ngoài bố trí vốn cho các công trình trọng điểm cần bố trí vốn đầu tư cho các công trình dân sinh bức xúc. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Lợi lo ngại, từ tháng 6 lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm nên đề xuất cần có nghị quyết cho hoạt động xúc tiến du lịch. Cục trưởng Cục Thuế Phi Vân Tuấn cho rằng, thành phố cần tiếp tục tập trung giải pháp giãn nợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện rà soát thống kê các DN cần vay vốn. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ xem xét và cho vay, để bảo đảm giúp các DN vượt khó, hoạt động hiệu quả hơn. Trước tình hình khai thác cát lậu hiện diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị thành phố sớm có quy hoạch khai thác khoáng sản phục vụ công tác quản lý…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu dự thảo báo cáo cần hoàn thiện theo hướng khẳng định rõ việc triển khai nghiêm túc, tích cực các Nghị quyết của TƯ và thành phố; bên cạnh kết quả đạt được, phải chỉ ra những khó khăn, tồn tại và giải pháp khắc phục. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, cần nghiên cứu cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn xã hội để đẩy mạnh đầu tư công; tiếp tục tăng cường công tác giảm chi, tiết kiệm chi phí xăng dầu, không mua sắm ô tô mới… Trên tinh thần đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu thêm các ý kiến tại cuộc họp để hoàn chỉnh báo cáo trình UBND thành phố xem xét trước khi đưa ra kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.