Năm 2015, theo dự báo, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống thời tiết cực đoan, làm phát sinh nhiều thiên tai, sự cố.
Cố gắng chủ động ứng phó
Cả Hà Nội đều nhớ đến trận lụt kinh hoàng năm 2008 đúng vào thời điểm mùa mưa bão đã qua nếu theo kinh nghiệm hàng năm. Sau trận lụt khiến cả thành phố điêu đứng đó, nhận thức của người dân cũng như lãnh đạo các cấp ở Hà Nội về thiên tai và BĐKH mới thay đổi. Nhận thức được hậu quả nặng nề do thiên tai và BĐKH gây ra, Hà Nội đã cố gắng lên các phương án để chủ động đối phó với những thay đổi của Mẹ thiên nhiên.
Ảnh minh họa |
Ngay từ năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP. Kế hoạch được xây dựng với 79 nhiệm vụ thuộc 11 lĩnh vực. Trong đó đặc biệt đề xuất ưu tiên 82 dự án và đề xuất định hướng chung kế hoạch hành động theo từng giai đoạn (năm 2012-2020 và sau năm 2020). Mục đích của kế hoạch là chủ động ứng phó có hiệu quả, thích ứng với BĐKH. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của BĐKH, đề ra các biện pháp ứng phó, thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Ngày đó, ông Vũ Văn Hậu, khi đó đang là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã khẳng định, ứng phó với BĐKH là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững.
Trong tháng 10-2015, UBND TP Hà Nội vừa giao cho các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và BĐKH.
Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiểu các thiệt hại, ứng phó với thiên tai và BĐKH, các sở, ngành liên quan, chính quyền các cấp triển khai thực hiện một số giải pháp trọng điểm. Cụ thể là: Tổ chức chặt chẽ, thường xuyên, liên tục theo dõi và dự báo thời tiết trong thời gian tới; Cập nhật các số liệu mới nhất về điều kiện tự nhiên (cấp gió bão, áp lực và vận tốc gió, lưu lượng mưa, tần suất và lưu lượng lũ hàng năm...); Nghiên cứu và lập bản đồ các khu vực có nguy cơ ngập nước, sạt sở, lũ quét... tại các khu đô thị, khu dân cư để cảnh báo người dân hạn chế xây dựng hoặc có các giải pháp ứng phó thích hợp; Chủ động di dời dân khi mưa, lũ xảy ra; Điều chỉnh các quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn và hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp.
Đối với các đô thị miền núi, các cơ quan chức năng và địa phương cần rà soát, xác định các khu vực xây dựng trên sườn đồi có nguy cơ sạt trượt khi mưa, lũ; xem xét hạn chế hoặc không quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình tại các khu vực này. Ngoài ra, kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí sườn dốc có nguy cơ sạt trượt cao. Tính toán lưu vực, tập trung rà soát hệ thống tiêu thoát nước đô thị kết hợp với hệ thống công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, chống ngập úng đô thị và chống sạt lở đất.
Các sở, ngành liên quan cần rà soát, đánh giá các dự án phát triển đô thị tại khu vực thấp, trũng ven sông, đảm bảo cốt nền và mật độ xây dựng phù hợp; kết cấu và kiến trúc công trình phải đáp ứng yêu cầu chống chịu được với gió, bão, lũ có cường độ lớn; bảo vệ và phát triển các vùng đệm và hệ sinh thái tự nhiên. Ngành Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch. Ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo lưu thông dòng chảy tự nhiên tại các khu vực miền núi, tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế thay đổi địa hình trong xây dựng và nghiêm cấm các hành vi tự ý ngăn, lấp hoặc làm thay đổi các dòng chảy tự nhiên của sông, suối.
Còn các địa phương cần kiểm tra và chuẩn bị trước các kịch bản để ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu tại địa phương và chủ động phương án bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết di dời nếu có nguy cơ mất an toàn.
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng
Khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hậu quả do thiên tai và BĐKH mang lại càng trở nên nặng nề nếu người dân thiếu nhận thức và không hợp tác với các cấp chính quyền. Thực tế cho thấy người dân và thậm chí là các chính quyền cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về BĐKH. Khảo sát của nhóm dự án đánh giá tác động của BĐKH tại các huyện đảo Vân Đồn, Phú Quốc, Côn Đảo do PGS.TS Vũ Thanh Ca làm chủ nhiệm đề tài cho thấy: người dân các huyện đảo có biết tới BĐKH qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hầu như chưa biết được các giải pháp thích ứng để giảm nhẹ tác động của BĐKH.
Trong một hội thảo về BĐKH tại Hà Nội, các đại biểu cũng cho biết, phần lớn người dân mới biết mà chưa hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ những vấn đề thuộc bản chất về môi trường và BĐKH. Nhiều người vẫn nghĩ, biến đổi khí hậu chỉ diễn ra ở những vùng rất xa xôi, không phải ở Việt Nam mà không biết rằng Việt Nam nằm trong số những nước chịu tác động nặng nề của BĐKH. Một chuyên gia Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, ngay ở huyện ngoại thành Phú Xuyên (Hà Nội), chỉ khoan sâu 40m, nước đã có dấu hiệu nước lợ, không dùng sinh hoạt được.
Không phải tự nhiên mà trong chiến lược quốc gia về BĐKH, Thủ tướng Chính phủ xác định: “Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Bản chiến lược này cũng thẳng thắn thừa nhận: “Nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm nhiều đến các tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức với việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh”.
Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về việc chủ động ứng phó với BĐKH. Mục tiêu được đề ra trong chương trình này đến năm 2015 là có hơn 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức Nhà nước được tập huấn, nghe tuyên truyền để hiểu biết về BĐKH và tác động của nó.
Nhận thức được thực tế này, thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ quan, đơn vị về những ảnh hưởng, tác động của BĐKH diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan hơn để có ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN, khắc phục tư tưởng chủ quan, đơn giản. Những ngày hội tuyên truyền về BĐKH được tổ chức tới nhiều xã ở những vùng dễ bị tổn thương; sự lồng ghép truyền thông trong các chương trình học, các hội thi dành cho học sinh sinh viên từ tiểu học tới đại học, những ngày Tết trồng cây nở rộ, sự kiện "Giờ Trái Đất"… Và đặc biệt, sự thay đổi trong tư duy của doanh nghiệp hướng tới việc sản xuất và tuyên truyền sử dụng những sản phẩm ‘xanh’ góp phần không nhỏ vào việc thay đổi tư duy về BĐKH và cách thức sống chung với BĐKH của người dân.
Việc nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường khả năng thích ứng và chủ động đối phó với thiên tai và BĐKH, góp phần làm giảm hậu quả do thiên tai và BĐKH gây ra.
* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.