(HNM) - Tình hình
Giếng ngầm suy thoái
Rất nhiều giếng khai thác nước ngầm do Công ty NSHN quản lý, khai thác đã sử dụng từ lâu. Tỷ lệ giếng ngầm suy thoái bình quân 4-6% mỗi năm. Trong khi, nguồn nước sông Đà, một trong hai nguồn cấp chính cho hệ thống, chỉ duy trì ở mức xấp xỉ 60.000m3/ ngày-đêm, tương đương mức hiện nay do hạn chế của mạng truyền dẫn không cấp tăng cho Hà Nội được. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước khu vực Hà Nội tăng khoảng 3-4% nên tổng lượng nước thiếu hụt sẽ vào khoảng 6-10%, tương đương 60.000-70.000m3/ ngày-đêm.
Vận hành dây chuyền cấp nước tại Nhà máy nước Cáo Đỉnh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tình hình "căng thẳng" về nguồn cung nước cũng khiến cho nhiều xí nghiệp quản lý địa bàn lo ngại. Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Đống Đa Phan Anh Tuấn cho biết, quận Đống Đa nằm ở "trung tâm" mạng cấp nước. Nước sạch trước khi đến địa bàn Đống Đa phải qua các quận khác nên tình trạng thiếu hụt tại các điểm cốt nền cao, vào lúc cao điểm khó tránh khỏi. Theo ông Phạm Việt Phương, Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Hoàng Mai, do huyện Thanh Trì (thuộc địa bàn xí nghiệp quản lý) đang được đầu tư mở rộng mạng cấp nước nên nhu cầu sử dụng rất lớn. Nhưng, nếu xí nghiệp tăng nguồn cấp cho khu vực này thì chắc chắn sẽ hụt nguồn, ảnh hưởng đến các xí nghiệp bạn như Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Theo báo cáo của Phòng Kỹ thuật, Công ty NSHN, dự kiến các điểm cốt cao như La Thành (đoạn Đại Cồ Việt - Ô Chợ Dừa), khu vực đê Nguyễn Khoái, đê Âu Cơ… hay cuối nguồn như xã Tây Tựu (Từ Liêm), phường Quan Hoa (Cầu Giấy)… đứng trước nguy cơ thiếu nước. Để bù cho nguồn thiếu hụt trong năm 2014, Công ty NSHN đã xin thành phố cho nghiên cứu bổ sung nguồn, phục hồi công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long (khoảng 30.000m3/ ngày-đêm); khoan bổ sung thay thế giếng các Nhà máy Yên Phụ, Nam Dư, Gia Lâm (khoảng 8.000m3); đầu tư dự án chống thất thu, thất thoát (bổ sung thêm 13.000m3)…
Ngoài việc bổ sung giếng khai thác mới, Công ty NSHN tíếp tục thực hiện điều tiết vận hành mạng, phân chia khu vực, cấp nước cách nhật trong lúc cao điểm. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, lâu dài, thành phố cần phải đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống. Theo quy hoạch, hai nhà máy này cấp nước cho Hà Nội giai đoạn năm 2015-2020, song đến nay vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu. Nếu không triển khai sớm, nguy cơ đến năm 2015, Hà Nội còn thiếu hụt nguồn nước lớn hơn, không đáp ứng được yêu cầu mở rộng phạm vi phục vụ. Trong kiến nghị, Công ty NSHN đã đề nghị thành phố xem xét giao công ty nghiên cứu xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 150.000m3 để chủ động nguồn nước cho các năm tới.
Hệ thống nước sông Đà hay bị sự cố
Một nguồn cấp nước chính nữa cho Hà Nội là hệ thống nước sông Đà đứng trước nguy cơ ngừng bất cứ lúc nào do sự cố. Hệ thống này chủ yếu cấp cho khu vực phía tây, nam thành phố (quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, huyện Từ Liêm, Thanh Trì) thông qua đơn vị kinh doanh là Công ty cổ phần Viwaco. Từ khi vận hành, đã 4 lần hệ thống phải ngừng cấp nước do cùng nguyên nhân vỡ đường ống truyền tải từ nhà máy đặt tại Hòa Bình về Hà Nội. Trong đó, riêng năm 2013 đã 3 lần vỡ. Do chỉ có đường dẫn duy nhất nên mỗi lần gặp sự cố, toàn bộ phạm vi cấp nước của Viwaco đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phía Công ty NSHN cũng bị thiếu hụt khoảng 60.000m3/ ngày-đêm. Đại diện Tổng Công ty Vinaconex - đơn vị đầu tư, vận hành mạng nước sông Đà cho biết, đã thành lập các đội phản ứng nhanh khắc phục sự cố sớm nhất, song giải pháp cơ bản vẫn là phải đầu tư tiếp đường ống truyền dẫn thứ hai. Tuy nhiên, đây là dự án xã hội hóa nên nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp vốn. Trong khi chờ đầu tư, không ai dám bảo đảm rằng đường ống sông Đà sẽ không bị vỡ lần nữa. Với tình trạng thiếu nguồn, khả năng hỗ trợ từ mạng của Công ty NSHN sang mạng của Công ty cổ phần Viwaco gần như là không thể.
Nguồn nước sạch do Công ty NSHN đang khai thác, vận hành đạt 650.000m3/ngày-đêm, trong đó khai thác nguồn nước ngầm khoảng 600.000m3/ngày-đêm, còn lại cấp từ nguồn nước sông Đà. Năm 2013, nguồn cung nước tăng 51.000m3/ngày-đêm, trong đó việc giảm thất thu, thất thoát 3% đã góp phần tăng thêm 18.500m3/ ngày-đêm. Tỷ lệ cấp nước khu vực nội thành đạt 100% dân số, trong khi 5 huyện ngoại thành Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn là 42%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.