(HNMO)- Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP cho biết mới chỉ tiếp nhận 38 trường hợp tới làm thủ tục sang tên đổi chủ cho mô tô, xe máy
Người dân đến làm thủ tục đăng ký xe, sang tên đổi chủ tại 86 Lý Thường Kiệt. (Ảnh chụp sáng ngày 14/11) |
Qua 3 ngày Nghị định 71 có hiệu lực, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP cho biết mới chỉ tiếp nhận 38 trường hợp tới làm thủ tục sang tên đổi chủ cho mô tô, xe máy và 183 trường hợp tương tự liên quan tới ô tô.
CSGT Hà Nội đã phạt 15 trường hợp vi phạm lỗi sang tên đổi chủ.
Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội quản lý xe Phòng CSGT cho biết: “Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến việc chủ phương tiện không thực hiện việc sang tên đổi chủ quá 30 ngày được quy định từ năm 1995”
Trên thực tế, Luật đã quy định rõ từ lâu trong vòng 30 ngày sau khi diễn ra việc mua bán xe cũ nếu chủ phương tiên không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt tiền. Mức phạt khá cao nếu áp dụng với ô tô có thể lên đến từ 6 - 10 triệu đồng và với xe máy từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng
Theo tính toán, từ đầu năm 2012 đến nay mới có 12. 063 trường hợp chủ phương tiện tới cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện ô tô, xe máy. Con số này quá thấp so với thực tế số xe đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô tính theo đầu dân số lên tới hơn 10 triệu người.
Tại các địa điểm đăng ký xe ở Thủ đô suốt nhiều ngày qua vẫn trong tình trạng vắng vẻ. Người dân thể hiện sự quan tâm bằng cách ghé qua hỏi và xem thủ tục sang tên đổi chủ đã được niêm yết công khai. Mặc dù khi được hỏi ai cũng sẵn sàng cho việc đi đăng ký lại chiếc xe của mình nhưng vẫn còn diễn ra tâm lý đám đông, nhìn nhau xem người khác có làm không để còn bắt chước.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, pháp luật đã quy định rõ với những trường hợp người dân gặp khó khăn về thủ tục như sang tên, đổi chủ đơn vị tiếp nhận có thể báo cáo những trường hợp đó lên cơ quan chức năng cấp trên để có giải pháp đặc thù.
Nhưng trên thực tế người dân không hề mặn mà với việc tuân thủ pháp luật nên đang khó cho cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.
Vào thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT mới chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt. Không có quy định nào bắt buộc người dân phải mang theo CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... khi điều khiển phương tiện (mượn hoặc thuê) ngoài đường. Tới đây, để đảm bảo tính khả thi của Nghị định 71, Bộ CA sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.