(HNM) - Ngày 2-9-1945 đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngày ấy, nhiều tỉnh, thành phố của cả nước hân hoan đón mừng bằng những lễ mít tinh nhưng không đâu như ở Hà Nội. Tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam
Đường Điện Biên Phủ trong ngày Quốc khánh 2-9.Ảnh: Xuân Phú |
Gấp rút chuẩn bị cho ngày trọng đại
Ngay sau khi từ chiến khu Tân Trào trở về Hà Nội, ngày 27-8, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đã họp, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ấn định ngày 2-9 sẽ làm lễ tuyên bố nước Việt Nam là quốc gia độc lập; đồng thời ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân đồng bào. Bác Hồ được các cán bộ kháng chiến đưa về ở ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của vợ chồng nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây, Người thực hiện một công việc vô cùng lớn lao là thảo bản Tuyên ngôn độc lập để đọc trong ngày 2-9. Sau này bà Hồ kể: "Các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cũng không hề nói cho tôi biết ông cụ người gầy mắt sáng là ai, và ở tầng một, tôi chỉ nghe tiếng đánh máy chữ tạch tạch, có hôm đồng hồ quả lắc đánh 3 tiếng (3h sáng) mới thấy cụ dừng công việc".
Thời gian quá gấp gáp nên công tác chuẩn bị cho ngày lễ được giao cho những cán bộ có năng lực. Ông Nguyễn Hữu Đang được giao trọng trách làm Trưởng ban Tổ chức. Để huy động sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, ông Đang cho đăng quảng cáo trên báo và ngay khi báo phát hành, rất nhiều người kéo đến Hội Trí tri ở phố Hàng Quạt tự nguyện đóng góp vật chất, công sức và trí tuệ. Việc dựng lễ đài ông giao cho Phạm Văn Khoa và kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, vì hai người đang hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc lại bổ sung thêm kiến trúc sư Lê Văn Đệ. Họ phải hoàn thành lễ đài trong hai ngày. Những người ủng hộ cột gỗ, ván, vải, dây thép, đinh… nhanh chóng chở đến tận nơi và còn giao hẹn nếu thiếu báo ngay họ sẽ cho người vận chuyển ngay lập tức. Thợ cả chỉ huy mấy chục thợ mộc làm theo bản thiết kế của Ngô Huy Quỳnh là ông Quyến nhà ở phố Hàng Hành. Ông Quyến cùng cánh thợ làm liên tục và đến gần 3h sáng 2-9 thì lễ đài hoàn thành, bảo đảm đúng yêu cầu của hai kiến trúc sư. Tiếp đó là đặt micro, kéo dây và treo loa, phần việc này được giao cho anh thanh niên tên là Viễn (sau này ông Viễn là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Hà Nội). Đến sáng thì việc lắp đặt âm thanh đã xong. Trong Lễ Tuyên ngôn độc lập không thể thiếu được đội nhạc cử quốc thiều và Ban nhạc Giải phóng quân nhanh chóng được thành lập. Phần lớn trong 75 người là lính trong đội kèn "Bảo an binh" đã rời bỏ hàng ngũ địch. Để quốc thiều trọn vẹn hơn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã gặp nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của hành khúc bàn bạc và thống nhất rút ngắn trường độ của nốt "rê" đầu tiên đầu chữ "đoàn" và nốt "mi" ở đoạn giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn, trầm hùng. Tổng phổ viết xong, mọi người trong ban nhạc lao vào luyện tập và đến tối 1-9 họ chơi thuần thục. Đêm đó, 75 nhạc công không ngủ được. Mới 2h sáng, họ đã dậy mặc quần soóc kaki, đi giày da, đội mũ canô có đính quân hiệu chuẩn bị hành quân lên quảng trường. Việc chụp ảnh và quay phim được nhà nhiếp ảnh trẻ Võ Văn Lai sốt sắng đảm nhiệm. Nhiếp ảnh thì không có gì đáng lo vì lúc đó có khá nhiều người có điều kiện chơi ảnh nhưng quay phim thì thời điểm đó ở Hà Nội chỉ có "Hãng phim Hương Ký" và "Đông Dương phim". Tuy nhiên, "Đông Dương phim" chỉ tồn tại trên danh nghĩa, thực tế đã không còn hoạt động, cũng không còn máy móc thiết bị nên Võ Văn Lai đã mời Hương Ký và ông này đã nhận lời, hứa cử hai người, một quay phim và một nhiếp ảnh. Tuy nhiên, một tuần sau ngày lễ, Hương Ký thông báo hôm đó máy trục trặc không quay được (thước phim tư liệu về sự kiện này hiện nay do một người bí mật tặng cho đạo diễn Phạm Kỳ Nam khi ông đang quay phim tài liệu về Bác Hồ ở Pháp năm 1974).
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu |
Mặc dù quân Nhật lúc này đã đầu hàng Đồng minh nhưng chưa bị giải giáp vũ khí, còn quân Pháp vẫn còn nguyên dù bị quân Nhật giám sát, song họ đang rình thời cơ để thay thế quân Nhật. Để tránh quân Nhật và Pháp gây sự phá buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ra sắc lệnh giới nghiêm từ 12h đêm 1-9 đến 6h sáng 2-9. Đồng thời, bí mật cho các đơn vị vũ trang áp sát các cơ sở của Nhật và Pháp trên địa bàn Hà Nội.
Ngày đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới
Vừa hết giờ giới nghiêm, dân hàng phố tràn ra đường. Họ ngạc nhiên vì có nhà tự treo cờ đỏ sao vàng lên cột điện trước cửa. Con đường dẫn đến Quảng trường Độc Lập giăng đầy cờ hoa, biểu ngữ. Hôm trước ông Nguyễn Hữu Đang đã ký giấy gửi Đốc lý Hà Nội yêu cầu thành phố cắm cờ kết hoa trên một số tuyến phố để tạo không khí cho buổi lễ.
Rồi dân hàng phố bất ngờ khi thấy bà con ngoại thành xếp hàng dọc đi vào nội đô rồi tiến về địa điểm tập kết ở chỗ vườn hoa nhỏ cuối phố Puginier (nay là Điện Biên Phủ) chờ lệnh vào nơi làm lễ. Càng gần trưa, đoàn người đủ thành phần nối tiếp nhau đổ về đây càng đông với cờ hoa, biểu ngữ bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Trung Quốc… Gần 1h chiều, các đoàn người được lệnh tiến vào quảng trường. Trong hồi ký "Tại sao Việt Nam", Thiếu tá Archimedes L.A Patti, trưởng nhóm OSS (phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ có nhiệm vụ giải cứu tù binh Mỹ bị Nhật bắt và chuẩn bị cho việc giải giáp quân đội Nhật) chứng kiến Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 đã viết: "Trong khi chờ đợi Cụ Hồ và các quan chức tùy tùng tới, tôi đã nhìn thấy cả một nhóm cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả các chức sắc mang khăn quàng và vải diềm đỏ. Cách họ không xa là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu vàng, rồi đến các chức sắc Cao Đài, mặc áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ...".
Tất cả biển người được hướng dẫn để hợp thành những khối trước lễ đài vừa mới dựng xong giữa quảng trường. Trầm đã được đốt, mùi thơm lan tỏa trong nắng thu làm tăng thêm không khí nghiêm trang. Dưới chân lễ đài là đội danh dự mặc sơmi cộc tay, quần soóc màu cỏ úa, chân đi dép da, đứng nghiêm trang. Họ là những chiến sĩ giải phóng quân mới từ chiến khu về. Có tiếng hô lớn phát ra từ phía lễ đài: "Bồng súng… Chào!", tiếp đó là "Chào cờ… Chào!". Ngay tức khắc biển người im phắc. Ban nhạc Giải phóng quân tấu bản "Tiến quân ca" vô cùng hùng tráng. Và không ai bảo ai, mọi người bắt chước các chiến sĩ vệ binh đưa tay lên ngang tai để chào lá cờ đỏ sao vàng. Người kéo cờ hôm đó là Lê Thi, sau này bà Thi kể: "Hôm đó tôi ở trong đội phụ nữ khu Hoàn Kiếm đứng hàng đầu ngay gần lễ đài thì người trong ban tổ chức bảo tôi lên kéo cờ, bên cạnh tôi là một chị mặc quần áo dân tộc cầm sẵn cờ cho tôi kéo, tôi vừa run vừa sung sướng. Sau này tôi mới biết chị tên là Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày".
Lễ chào cờ vừa kết thúc, từ trên lễ đài bắt đầu vang lên một giọng miền Trung giới thiệu Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lập tức hàng vạn cánh tay cùng giơ lên và hô vang: "Ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh vạn tuế!". Trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười tiến đến trước micro nhưng tiếng hò reo mãi không dứt. Cũng trong hồi ký "Tại sao Việt Nam", Patti viết: "Cụ Hồ đang đứng đó, mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm vóc nhưng thực là vĩ đại trong sự hoan hô, ủng hộ cuồng nhiệt của nhân dân…". Trong hàng vạn người háo hức, mừng vui có bà Hoàng Thị Minh Hồ. Sau này bà kể: "Tối 1-9, ông Nguyễn Lương Bằng đưa cho tôi một tấm thiếp của Ban tổ chức mời dự Lễ Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Vì quá đông nên gần 10h sáng tôi mới vào được khu vực khách mời danh dự. Người tôi bỗng sởn gai ốc, nước mắt lăn trên gò má vì quá bất ngờ, ông cụ ở nhà tôi chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Cả quảng trường im lặng như nuốt từng lời khi vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đang đọc Người đột nhiên ngừng lại cất tiếng ân cần hỏi:
- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?
Ngay lập tức cả biển người đồng thanh:
- Có! Có ạ! Có, có ạ!...
Khi Cụ đọc hết bản Tuyên ngôn, biển người lại nổi sóng với những tiếng hô vang dội, dường như không dứt "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!". Đại lễ độc lập của dân tộc kết thúc trong muôn vàn tiếng reo vui và hoan hô dậy trời đất. Nhiều người trào nước mắt vì xúc động. Đoàn người rời quảng trường tỏa đi các phố diễu hành cho đến chiều mới giải tán.
69 năm đã qua nhưng Hà Nội ngày ấy, không khí Hà Nội ngày ấy vẫn như mới ngày hôm qua và chắc chắn nó sẽ còn sống mãi trong lòng người Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.