(HNMO) - Chiều 29-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Sẵn sàng trước nguy cơ dịch xâm nhập
Báo cáo về tình hình dịch bệnh thời điểm hiện tại, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Ấn Độ hiện vẫn là tâm điểm của dịch bệnh với trên 18 triệu ca mắc và trên 200.000 ca tử vong. Chỉ trong vòng 1 ngày, nước này ghi nhận số ca mắc lên tới gần 380.000 trường hợp và hơn 3.600 ca tử vong. Còn tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Lào vẫn ghi nhận số ca mắc tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Trước tình hình dịch trên thế giới, ông Hoàng Đức Hạnh một lần nữa nhấn mạnh, nguy cơ dịch lây lan tại nước ta hiện đang ở mức báo động cao. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.
"Trong những ngày nghỉ lễ, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch, bảo đảm người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR Code, bắt buộc các trường hợp tạm trú, tạm vắng sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 quay trở lại thành phố phải khai báo y tế", ông Hoàng Đức Hạnh nói.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, dịch xâm nhập vào nước ta bằng hai con đường, đó là nhập cảnh có phép và nhập cảnh trái phép. Trường hợp nam bệnh nhân 63 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là lễ tân khách sạn mắc Covid-19 từ chuyên gia Ấn Độ cách ly tại khách sạn và trường hợp nam thanh niên (sinh năm 1993; quê quán tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) mắc Covid-19 sau khi ra khỏi khu cách ly tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, công tác cách ly tập trung, nếu không thực hiện nghiêm túc, nguy cơ dịch sẽ lây ra cộng đồng.
Báo cáo của các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Đống Đa cho thấy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương đã tiến hành dừng những hoạt động không cần thiết trong dịp nghỉ lễ, tránh việc tụ tập đông người. Với những hoạt động, sự kiện vẫn diễn ra trong kỳ nghỉ này, các địa phương đã yêu cầu đơn vị tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc phòng dịch, bảo đảm tuân thủ biện pháp "5K".
Tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có 73 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng. Tuy nhiên, với chùm ca dương tính (5 người) trong gia đình của bệnh nhân tại tỉnh Hà Nam vừa được phát hiện cho thấy, Hà Nội phải sẵn sàng trước nguy cơ dịch xâm nhập bất cứ lúc nào.
"Lo ngại nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khi người dân quay trở lại thành phố, nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn sẵn sàng cơ số thuốc, máy thở, vật tư tiêu hao... để điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ, có biểu hiện triệu chứng. Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm đáp ứng yêu cầu cao nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng thời tiếp tục sàng lọc cho những trường hợp có nguy cơ", bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tuân thủ khai báo y tế sau kỳ nghỉ lễ
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, từ chùm ca bệnh 5 người trong gia đình ở tỉnh Hà Nam dương tính với SARS-CoV-2, Hà Nội cần nâng mức cảnh báo nguy cơ lên cao nhất, từ đó, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch hơn nữa, nhất là việc thực hiện thông điệp "5K".
Đồng chí Chử Xuân Dũng cho rằng, thời gian qua, tại các trường học, học sinh vẫn lơ là việc đeo khẩu trang, do đó, cần khắc phục ngay vấn đề này. Ngoài ra, tại các bệnh viện, cơ quan nhà nước, các đơn vị tổ chức kinh doanh sản xuất, khu vực sân bay, nơi công cộng... cần thực hiện nghiêm thông điệp "5K", trong đó tuân thủ việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
"Các địa phương cần quyết liệt tạm dừng những hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết, đồng thời, siết chặt công tác phòng dịch tại các hoạt động được tổ chức. Lực lượng chức năng trong những ngày tới cần tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch và tiến hành xử phạt. Chúng tôi hoan nghênh lực lượng Công an thành phố trong ngày nghỉ lễ sắp tới không ra khỏi thành phố và triển khai nghiêm túc công tác phòng dịch. Ngay sau kỳ nghỉ, lực lượng này cần tăng cường kiểm tra việc khai báo y tế của những trường hợp tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thành phố", đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu.
Theo đồng chí Chử Xuân Dũng, các đơn vị trên toàn thành phố cần thực hiện nghiêm việc khai báo an toàn Covid-19, trong đó, tự rà soát, kiểm tra và công bố mức độ an toàn phòng dịch của đơn vị mình trên website. 100% địa điểm phải thực hiện việc đăng ký bảo đảm an toàn phòng Covid-19, nhất là tại các trường học, bệnh viện và trên các phương tiện giao thông, khu vực sân bay.
"Trường học, nhất là trường mẫu giáo, bệnh viện, phòng khám tư là những nơi chưa đăng ký nghiêm túc việc khai báo này, vì vậy, các đơn vị này phải thực hiện", đồng chí Chử Xuân Dũng lưu ý.
Nhấn mạnh về tình hình dịch Covid-19 sắp tới sẽ "nóng" hơn rất nhiều, đồng chí Chử Xuân Dũng cho rằng, qua bài học từ ca bệnh tại tỉnh Yên Bái và tỉnh Hà Nam, thành phố cần tăng cường quản lý chặt cơ sở cách ly, không để lây chéo tại khu cách ly và lây từ khu cách ly ra bên ngoài. Cùng với đó, triển khai việc xét nghiệm sàng lọc tại khu cách ly nghiêm túc, bài bản theo đúng quy trình, đúng thời gian. Đặc biệt, sau khi người cách ly trở về cộng đồng, phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, theo đồng chí Chử Xuân Dũng, rất cần sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Sau kỳ nghỉ lễ, người dân quay trở lại thành phố cần tuân thủ nghiêm túc việc khai báo y tế; các lực lượng chức năng quản lý chặt việc di chuyển của người dân từ địa phương khác về Hà Nội. Cùng với đó, Công an thành phố cần triển khai sâu rộng việc phát hiện người nhập cảnh trái phép và xử lý nghiêm người tham gia chuyên chở những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt 1, thành phố đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 8.574 người, hiện tại, sức khỏe của các trường hợp này đều bình thường. Đợt 2, bắt đầu tiêm từ ngày 19-4 đến nay, đã tiêm được 54.537 người, trên số đối tượng dự kiến là 53.350 người (đạt tỷ lệ 102,2%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.