(HNMCT) - Từ lâu, mùa thu đã được coi là mùa liveshow của Hà Nội. Những show lớn, bé thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau, quy tụ một lượng nghệ sĩ hùng hậu, từ nổi tiếng đến hàng sao, liên tục được tổ chức trong thời gian này. Mùa liveshow mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều cơ hội lựa chọn hơn, nhưng cũng khiến nhà sản xuất đau đầu hơn trong việc tìm màu sắc riêng cho đêm nhạc của mình.
Tấp nập show
Từ cuối tháng 8, những show ca nhạc lớn đã bắt đầu được tổ chức, báo hiệu mùa liveshow sắp bắt đầu. Và thời điểm được coi là bùng nổ show thường diễn ra từ khoảng cuối tháng 9 tới hết tháng 10. Có quy mô hoành tráng nhất được công bố đến thời điểm này có thể kể đến lễ hội âm nhạc FWD Music Fest được tổ chức tối 26-10 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Năm 2018, FWD Music Fest mùa đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và gặt hái được thành công vang dội với sự tham gia của hàng chục nghìn khán giả.
Năm nay, chương trình lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội với quy mô rất lớn, có sự tham gia của 11 ca sĩ nổi tiếng, thuộc nhiều dòng nhạc, đáp ứng được một biên độ khá rộng về sở thích âm nhạc của khán giả. Nổi bật ở dòng nhạc trẻ có thể kể đến những ca sĩ tràn đầy năng lượng như Tóc Tiên, Sơn Tùng M-TP, Issac; các ca sĩ có lượng fan đông đảo như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà; được khán giả Hà Nội đặc biệt yêu thích như Tuấn Hưng, Hà Anh Tuấn; hay là một phần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc của thế hệ 8x như Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc và cả ngôi sao thuộc dòng nhạc Underground rất được yêu thích Nguyễn Đức Cường (nổi tiếng với nghệ danh Đen Vâu). Với chủ đề Sống đầy sôi động, chương trình dự kiến thu hút khoảng 30.000 khán giả đến thưởng thức.
Mùa thu cũng là thời điểm mà nhiều ca sĩ của Hà Nội chọn để làm liveshow đánh dấu chặng đường ca hát. Vào những ngày cuối tháng 9, khán giả sẽ có dịp thưởng thức trọn vẹn giọng ca Quang Hà trong liveshow Không thể thay thế; lắng nghe tiếng hát ngọt ngào, trầm ấm của Lê Việt Anh trong đêm nhạc riêng Ước nguyện phù sa; lắng đọng cùng đêm nhạc thính phòng Trăng hát của Á quân Sao Mai 2013 Phạm Thùy Dung; cá tính cùng Vũ Duy Khánh trong liveshow Khánh 30...
Trong số những liveshow riêng của nghệ sĩ, “lạ” hơn cả là liveshow của nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long mang tên Thánh đường sân khấu. Từng khiến khán giả Hà Nội mê mẩn vào những năm 90 của thế kỷ trước, NSƯT Kim Tử Long hy vọng trong lần tái ngộ này, giọng ca của anh vẫn chinh phục được khán giả yêu cải lương Hà Nội... Bên cạnh đó là những show mang tính tổng hợp, với sự góp mặt của nhiều giọng ca như đêm nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội, Gõ cửa trái tim diễn ra vào cuối tháng 9 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, liveshow Đêm tình nhân 6 diễn ra vào dịp 20-10...
Đau đầu tìm cái mới
Tuy có số lượng liveshow khá lớn so với các thời điểm khác trong năm, nhưng theo đạo diễn Vạn Nguyễn, so với chính thời điểm này các năm trước thì hoạt động biểu diễn ca nhạc năm nay có vẻ trầm hơn. Số lượng liveshow hứa hẹn hoành tráng về quy mô tổ chức, có dấu ấn riêng chưa nhiều. “Điều này cũng xuất phát từ sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động biểu diễn tại Hà Nội những năm qua. Điều này một mặt mang đến cho công chúng nhiều cơ hội lựa chọn các dòng nhạc, ca sĩ, chương trình để thưởng thức.
Nhưng mặt khác, sự bùng nổ số lượng liveshow sẽ dẫn tới tình trạng thị trường bị loãng, khán giả bị chia sẻ. Đời sống thưởng thức âm nhạc bị bão hòa, khiến các nhà đầu tư e dè hơn, cẩn trọng hơn bởi liveshow nào cũng thế, nhẹ nhàng cũng 600 - 700 triệu đồng tiền vốn, nhiều hơn thì lên tới vài tỷ đồng. Bán vé để lấy lại từng triệu đồng khá vất vả, nên nếu không có sự ổn định, chắc chắn thì họ không dám làm”, đạo diễn Vạn Nguyễn lý giải. Chính vì vậy, những show rất lớn hiện nay đều phải có những nhà tài trợ lớn đứng sau. Chẳng hạn như FWD Music Fest là chương trình do hãng bảo hiểm FWD thực hiện để tri ân khách hàng.
Mặt khác, các liveshow ca nhạc ở Hà Nội có giá vé khá cao. Đêm diễn ở các địa điểm như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... có giá vé trung bình ở vị trí đẹp từ 4 - 6 triệu đồng/cặp vé nên khán giả cũng buộc phải lựa chọn đêm diễn phù hợp với mình cả về dòng nhạc, ca sĩ lẫn những yếu tố mới mà đơn vị thực hiện hứa hẹn. Chính vì thế, khi đưa ra thông tin về đêm nhạc, các nhà sản xuất đều không quên nhấn mạnh tới những nét mới bên cạnh việc mời dàn ca sĩ hạng sao.
Trong liveshow Không thể thay thế của Quang Hà, nhạc sĩ Nguyễn Quang, tổng đạo diễn cho biết, anh sẽ đầu tư mạnh vào phần nhìn, sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mới nhất hiện nay để đáp ứng nhu cầu “xem ca nhạc” của khán giả Hà Nội. Còn trong liveshow của Kim Tử Long, ngoài cải lương, khán giả còn được thưởng thức bolero, các trích đoạn ca cảnh hiện đại... Đây cũng là một cách thử khán giả của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng phương Nam.
Với những nghệ sĩ làm liveshow để đánh dấu chặng đường ca hát như Vũ Duy Khánh, Lê Việt Anh, Phạm Thùy Dung... tuy không quá đặt nặng vấn đề doanh thu nhưng làm thế nào để bật lên được chất riêng, thu hút được khán giả cũng là một câu hỏi vô cùng khó. Chính bởi vậy mà Vũ Duy Khánh từng chia sẻ, làm liveshow là có nguy cơ lỗ không dưới 1 tỷ đồng, song anh sẵn sàng bán nhà để có một đêm diễn ấn tượng, đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát của mình.
Khán giả Hà Nội ngày càng có gu hơn, có nhiều lựa chọn trong thưởng thức âm nhạc hơn. Điều đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các nghệ sĩ luôn phải làm mới mình, nâng tầm mình lên, nhất là khi đã quyết định chơi lớn bằng các liveshow!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.