Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội mở rộng Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Xuân Mai

Lan Hương| 24/02/2016 11:32

(HNMO) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa phê duyệt đề xuất Dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21, đoạn từ Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 29,3 km với tổng vốn đầu tư sơ bộ 7.569,8 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 22/2/2016, dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 21; phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, cầu Vĩnh Thịnh; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị vệ tinh Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.


Tổng chiều dài dự án là 29,3km (riêng đoạn tuyến phố Tùng Thiện từ Nút giao Viện 105 đến cầu Quan có chiều dài 2km không đưa vào dự án BOT), tiêu chuẩn đường trục chính đô thị với tốc độ thiết kế 80km/h. Giai đoạn 1A (triển khai năm 2016-2018) với quy mô 4 làn xe (24m), đưa vào khai thác từ năm 2019; giai đoạn 1B (từ năm 2019-2022) với quy mô 6 làn xe (44m), đưa vào khai thác từ năm 2023.

Tuyến đường xây dựng trên địa bàn Thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ với diện tích sử dụng đất khoảng 34,7ha.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 24 năm 5 tháng.

Ngày 12/1/2016, Ban Thường vụ Thành uỷ cũng đã có Thông báo số 38-TB/TU giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan thực hiện khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt đề xuất dự án, công bố và triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án theo đúng quy định của pháp luật. Tính toán khoa học, cụ thể, sát thực về tổng mức đầu tư của dự án, thời gian khai thác hoàn vốn dự án; xác định việc phân kỳ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm phát huy hiệu quả.

Ban Thường vụ Thành uỷ cũng lưu ý việc cân nhắc, lựa chọn hợp lý vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí các phương tiện tham gia giao thông sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, bảo đảm phù hợp các quy định chung của pháp luật, hài hòa lợi ích của xã hội với lợi ích của nhà đầu tư. Đồng thời, đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án, nhất là năng lực về tài chính, khả năng quản lý và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư dự án hạ tầng giao thông.

Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương có liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực triển khai dự án. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý đất đai sau giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng vi phạm, lấn chiếm.

Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu, trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện dự án, UBND TP cần tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, tiến độ công trình và giám sát chặt chẽ về chi phí, không để xảy ra tình trạng đội vốn dự án.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mở rộng Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Xuân Mai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.