Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội mở rộng đã xóa đi những băn khoăn của 5 năm trước

Theo Báo Lao động| 29/07/2013 10:57

Nhân dịp 5 năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2013), phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - xung quanh dấu mốc quan trọng này.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Tham (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì). Ảnh: Viết Thành


- Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, các khu vực hợp nhất vào thủ đô- nhất là các địa phương khó khăn- đã có thay đổi như thế nào, thưa Bí thư?

- Mỗi người trong chúng ta đều có thể nhận thấy những đổi thay hằng ngày đang diễn ra của thủ đô Hà Nội. Rõ nhất là hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội nói chung, đặc biệt là ở những địa phương khó khăn, vùng xa trung tâm. Chẳng hạn bốn xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước đó vẫn còn là xã nghèo, có xã chưa có điện, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi về với Hà Nội thì điện lưới quốc gia đã đến từng nhà.

Có những địa bàn mức đầu tư trong 5 năm qua lớn gấp từ 10 đến 30 lần so với mấy chục năm trước. Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn TP đến hết năm 2012 là hơn 8.514 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn năm 2012 đạt 21,36 triệu đồng/người/năm. Có thể nói, bằng những nỗ lực không ngừng, chúng ta đã xóa đi những băn khoăn, lo lắng của 5 năm về trước: Hợp nhất về Hà Nội, khu vực nông thôn, ngoại thành có bị bỏ quên?

- Thưa Bí thư, các chuyên gia từng nhận định, đã có sự giao thoa giữa văn hiến kinh kỳ Hà Nội và truyền thống của đất trăm nghề Hà Tây kể từ khi mở rộng thủ đô. Trên cương vị vừa là lãnh đạo, vừa là chuyên gia sử học, đồng chí đánh giá thế nào về nhận định trên? Liệu sự pha trộn này có làm nền văn hiến 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội bị mai một?

- Tôi luôn có niềm tin sâu sắc vào sức sống vô cùng mãnh liệt của các giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Và thực tế 5 năm qua là câu trả lời thỏa đáng nhất cho vấn đề này. Mở rộng diện tích thủ đô, đồng thời cũng có nghĩa là mở rộng không gian văn hóa. Văn hóa Hà Nội sau thời kỳ mở rộng địa giới hành chính đã, đang và sẽ tiếp tục truyền thống hội tụ, lan tỏa.

Những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc vốn có của mọi vùng miền không những không bị phai nhạt mà ngược lại, nó đang được tôn lên và ngày càng thăng hoa, làm phong phú thêm văn hóa thủ đô. Nếu bây giờ có ai đó nêu câu hỏi: Sau 5 năm hợp nhất, có giá trị văn hóa truyền thống nào bị lãng quên, bị xem nhẹ hay không..., câu trả lời chắc chắn là không.

- Người Hà Nội nổi tiếng hào hoa, thanh lịch, còn người Hà Tây quê lụa lại có tiếng là “đất lề quê thói”. Sự kết hợp này liệu có làm nên một thế hệ lãnh đạo, một lớp người mới đủ sức gánh vác trọng trách làm chủ nhân tương lai của thủ đô hôm nay và mai sau?

- Truyền thống văn hóa bao giờ cũng có những sắc thái, vẻ đẹp riêng. Nói hơn kém trong lĩnh vực này là rất khó. Đảng bộ Hà Nội có truyền thống quý báu là luôn đoàn kết, nhất trí. Nhưng cụ thể từng nơi, từng lúc, nếu chúng ta không biết phát huy làm tốt, rất có thể vẫn mắc phải khuyết điểm, sai lầm. Khi thực hiện chủ trương hợp nhất, có khá nhiều người lo lắng sau khi hợp nhất, liệu Hà Nội có đảm bảo được sự đoàn kết, nhất trí hay không; có đảm đương được khối lượng công việc do quá trình hợp nhất đặt ra? Và có cả băn khoăn, lo lắng, liệu văn hóa Xứ Đoài có bị lãng quên?

- Hiện tại, việc quy hoạch Hà Nội thiếu đồng bộ nên dẫn đến việc còn nhiều ý kiến cho rằng không những phá vỡ đi nhiều phần linh thiêng, mà còn có dấu hiệu lộn xộn. Xin cho biết ý kiến của Bí thư về nhận định này?

- Vâng, tôi cũng nghe được những ý kiến nói thủ đô Hà Nội phát triển chưa ngang tầm. Nếu nghiêm khắc nhìn nhận thì đúng là nhiều việc chưa được như mong đợi. Trước hết là vấn đề tầm nhìn quy hoạch. Chúng ta đã bỏ ra không ít công sức và trí tuệ để xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của thủ đô, nhưng khi đi vào triển khai thực hiện vẫn bộc lộ những yếu kém, bất cập để rồi lại chỉnh sửa, lại rà soát...

Tuy nhiên, vấn đề “tầm nhìn quy hoạch” không chỉ là hiểu biết, là kinh nghiệm mà còn là vấn đề nguồn lực nữa. “Có thực mới vực được đạo”, nhiều việc chúng ta cũng muốn làm tốt, làm đẹp ngay từ lần đầu, để sau đó không phải sửa, phải xóa đi làm lại, nhưng túi tiền của chúng ta lại quá ít mà đòi hỏi của cuộc sống lại cần phải có ngay.

- Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu “Xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế...”, Bí thư Thành ủy có nhận định và niềm tin gì về hình ảnh và tầm vóc của Hà Nội vào năm 2020?

- Để thực hiện có hiệu quả những phương hướng, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, chúng ta cần phải có quyết tâm cao, có biện pháp và lộ trình thực hiện. Chúng ta đã từng vượt qua, đã từng thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ lớn, khó và những việc chưa có tiền lệ. Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, hàng loạt công trình trọng điểm đã được hoàn thành trong thời gian rất ngắn.

Gần đây, TP đã xây dựng 5 cầu vượt trong 1 năm; có cây cầu chỉ thi công trong hơn 100 ngày... Điều đó chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội không chỉ có quyết tâm cao, mà còn có đầy đủ khả năng giải quyết thành công những việc lớn, việc khó trong xây dựng và phát triển thủ đô xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hà Nội hiện có hơn 7 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua bình quân 9,45%/năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Thu ngân sách năm 2007 của cả Hà Nội và Hà Tây là 57.000 tỉ đồng; năm 2012 Hà Nội thu được 146.331 tỉ đồng - tăng gấp gần 3 lần, chiếm hơn 20% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.257USD (so với năm 2007, Hà Nội là 2.000USD và Hà Tây là 520USD).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mở rộng đã xóa đi những băn khoăn của 5 năm trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.