Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Hà Nội là nơi có thể làm tốt hơn nữa vấn đề huy động các nguồn lực của xã hội"

07/03/2014 06:05

LTS: Ngày 18-2-2014, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm Chương trình 04-CTr/TU về

LTS: Ngày 18-2-2014, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm Chương trình 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài phát biểu quan trọng, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn nội dung “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một trong 9 Chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2010 - 2015 để tập trung chỉ đạo, vì đây là những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; với vị trí, vai trò của Thủ đô với cả nước. Mặt khác, đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, lâu dài, mà còn là vấn đề cấp bách, trước mắt, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân tộc ta, đất nước ta, Thủ đô của chúng ta là một thành viên, một bộ phận không thể tách rời. Chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề phức tạp mới. Tác động và ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường; tư tưởng thực dụng, coi giá trị đồng tiền cao hơn giá trị nhân văn, đạo đức, đã và đang làm tha hóa một bộ phận người trong xã hội. Đối với hội nhập quốc tế cũng vậy, bên cạnh việc tiếp thu cái hay, cái tốt của nhân loại thì không ít cái sai, cái xấu, cái độc hại cũng tràn vào, có nơi, có lúc lấn át cái tốt, cái tích cực.

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhận định là lời cảnh báo hoàn toàn có căn cứ. Những biểu hiện sa sút ấy thể hiện từ trong tư tưởng, sự dao động về mục tiêu, lý tưởng, trong giao tiếp, ứng xử, tác phong, ăn mặc, nói năng, ý thức tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh, môi trường,… cho tới tệ nạn tham nhũng, lãng phí quan liêu rất nghiêm trọng. Tình trạng sa sút về đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân còn bộc lộ cả trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, kể cả trong các lễ hội đang diễn ra cho tới các hiện tượng không đẹp, thái độ thiếu văn hóa ở một số quán cháo, quán phở ở Thủ đô mà báo chí đề cập… Đó là tất cả những gì mà chúng ta cần phải quan tâm, phân tích, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận, phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học, nhiều chiều. Đúng là những vấn đề bức xúc, thậm chí nhức nhối mà hàng ngày chúng ta bắt gặp thật đáng lo ngại. Nhưng cũng cần thấy rằng, các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống; những cái hay, cái đẹp trong giao tiếp ứng xử của người Hà Nội thanh lịch, văn minh chỗ này, chỗ khác, ở người này, người khác có bị phôi pha, nhưng không phải tất cả đều là như thế. Vừa qua, trong những ngày tổ chức Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng với niềm tiếc thương vô hạn và lòng tự hào dân tộc, hàng triệu người Hà Nội, già, trẻ, lớn, bé đã thể hiện những nét đẹp rất tiêu biểu về đạo đức, văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Thật sự là một nét đẹp thanh lịch, văn minh: Tận tình, chu đáo, cảm thông, thương yêu, giúp đỡ mọi người. Hàng nghìn thanh niên Thủ đô tự nguyện tham gia lực lượng giữ gìn trật tự, chăm sóc, giúp đỡ người già, em nhỏ. Biết bao người đã tự nguyện giúp đỡ bánh mỳ, cơm hộp, nước uống cho nhân dân ở khắp nơi về Thủ đô viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng với các lực lượng công an, giao thông, thanh niên tình nguyện Thủ đô làm việc suốt ngày đêm, ròng rã gần 10 ngày liền, mà không hề xảy ra sự cố gì tiêu cực. Và cho tới lúc cả Thủ đô, hàng chục vạn người, người nối người bên nhau, trật tự hai bên đường từ trung tâm Thủ đô tới sân bay, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là những người Hà Nội thể hiện một cách sâu sắc, cảm động nhất những phẩm chất văn hóa thanh lịch, văn minh. Và đó cũng là những minh chứng hết sức sinh động, đầy sức thuyết phục về những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, người Việt Nam chúng ta. Và bên cạnh đó chúng ta cũng không thể kể hết những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất đang có mà trong cuộc sống xung quanh chúng ta, từ những người lao động quét dọn vệ sinh, cho tới các thầy, cô giáo, thầy thuốc, nhân viên, y tế, v.v…

Qua 2 năm thực hiện Chương trình số 04, tôi tán thành với đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình về những kết quả đạt được. Trên từng lĩnh vực, so với yêu cầu và mong muốn thì có mặt chưa đạt, song những kết quả và tiến bộ, có thể khái quát ở ba điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, văn hóa - xã hội được chú trọng phát triển, đạt nhiều kết quả tiến bộ: Trong khi chúng ta coi trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội; thì đồng thời công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cũng được đẩy mạnh; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới; các hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Hà Nội có những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có uy tín, như: Nhà hát Múa rối Thăng Long; Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhân dân cũng đánh giá cao chất lượng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật thấm đượm tinh thần yêu nước, cách mạng và vốn văn hóa cổ truyền, dân gian… của Đài Truyền hình Hà Nội; một số chương trình, chuyên mục về văn hóa ứng xử trên báo chí của thành phố. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện có nền nếp, hiệu quả. Hà Nội là nơi đi đầu trong việc thực hiện việc cưới, việc tang văn minh tiến bộ với những chuyển biến rất rõ nét. Lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục phát triển, là đơn vị chủ lực của thể thao thành tích cao của Việt Nam tại các đấu trường quốc tế và khu vực. Năm 2013 Hà Nội có nhiều thành công về lĩnh vực văn hóa: Nhà hát Múa rối Thăng Long đạt kỷ lục là nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày/năm; du lịch Hà Nội có một năm tăng trưởng ấn tượng, được xếp thứ 14 trong 25 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Châu Á, xếp thứ 8 trong tốp 10 điểm đến du lịch mới nổi của thế giới và đón hơn 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Phở Hà Nội được bình chọn vào tốp 10 món ăn ngon, hấp dẫn nhất của thế giới, v.v…

Công tác phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục một bước tình trạng quá tải tại các bệnh viện, phát huy vai trò các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ứng dụng các kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Có những bệnh viện, những khoa khám, chữa bệnh có uy tín, như: Bệnh viện Xanh Pôn; Viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội,... Cuối tháng 12-2013 vừa qua, Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Bệnh viện Tim Hà Nội đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Toàn thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu xã/phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (hiện là 571/577 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 98,96%). Trong điều kiện khó khăn về sản xuất, kinh doanh, thành phố vẫn tập trung ưu tiên cho việc cải tạo và xây mới nhiều bệnh viện.

Công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của thế giới gặp muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn làm tốt công tác chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Bằng chứng là Tết Nguyên đán vừa qua, thành phố đã chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ phục hồi sản xuất ở nhiều cơ sở, tạo sự ổn định và phát triển trong xã hội; các chế độ, chính sách với người có công; công tác xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống tệ nạn xã hội thực hiện tích cực, thường xuyên, đạt kết quả tốt.

Lĩnh vực khoa học - công nghệ được đẩy mạnh, chú trọng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, tạo được sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với quản lý và sản xuất kinh doanh. Tuy chưa nhiều, nhưng thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều mô hình sản xuất thâm canh các sản phẩm năng suất, chất lượng cao, giá trị thu nhập bình quân đầu người, bình quân trên đơn vị diện tích cao so với nhiều địa phương trên cả nước: Trồng hoa ly, nhãn trái vụ, bưởi Diễn, cam Canh,... có nơi đạt được hàng tỷ đồng trên một héc ta canh tác.

Thứ hai, quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô được quan tâm đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục - đào tạo phổ thông được nâng cao. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Công tác đào tạo nghề, đặc biệt cho lao động nông thôn, đào tạo nghề chất lượng cao được tập trung chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu thực tế và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một chủ trương lớn, được sự đồng tình, nhất trí rất cao. Đó là niềm tự hào, là trách nhiệm phải kế thừa và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Tràng An, Thăng Long, Hà Nội: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; “Con gái Hà thành cọng giá cắn đôi”. Từ lâu, Thăng Long - Hà Nội đã được mọi người ca ngợi là Thủ đô văn hiến, văn minh; Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người... Nhưng mặt khác chúng ta cũng đang phải nghe không ít lời chê trách, phê bình, vì có một bộ phận người Hà Nội đã không giữ gìn, không phát huy được nét đẹp truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Cũng chính vì lẽ đó mà Chương trình 04 được Thành ủy rất quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên trong các cấp, ngành, lĩnh vực, đặc biệt được lồng ghép và thực hiện có hiệu quả với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng sâu rộng và vững chắc.

Thứ ba, sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 20/43 đề án cụ thể hóa Chương trình 04, dự án đã hoàn thành; một số đề án đang chờ phê duyệt; một số đã được chuyển sang giai đoạn tổ chức thực hiện. Các đơn vị được giao dự án đang tập trung hoàn thiện nhằm bảo đảm tốt nội dung và đúng tiến độ đề ra. Đây là chương trình có phạm vi, nội dung bao quát rộng; đòi hỏi nỗ lực thực hiện của tất cả các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, cho tới từng gia đình, từng người dân.

Thường trực Thành ủy hoan nghênh, đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy những năm qua, nhất là năm 2013. Đồng thời mong muốn các đồng chí nhìn nhận đầy đủ, khách quan và quan tâm khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót như đã nêu trong báo cáo và tham luận. Đó là: Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chủ động tham mưu xử lý kịp thời các yêu cầu bảo tồn và phát triển, bảo tồn và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong khu vực di tích còn bị động, lúng túng. Nhiều thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, có nơi sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Công tác quản lý nhà nước về y tế còn hạn chế. Năm kỷ cương hành chính 2013 đã có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng vẫn còn những tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, làm tổn thương uy tín chung của ngành y tế, gây bức xúc và bất bình trong dư luận. Chất lượng giáo dục giữa các khu vực thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch; việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên còn nhiều bất cập về định hướng, nội dung, phương thức, nhất là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, thị trường khoa học công nghệ và thị trường lao động qua đào tạo phát triển chưa bền vững...

Năm 2014 là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra; đồng thời là năm kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và nhiều ngày lễ lớn của đất nước; “Năm trật tự và văn minh đô thị” và tích cực triển khai công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tôi cơ bản nhất trí với những trọng tâm công tác năm 2014 do Ban Chỉ đạo Chương trình 04 đề ra, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thực hiện như sau:

Một là, Ban Chỉ đạo Chương trình từ thành phố tới các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt để mọi người có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình 04. Một Chương trình nếu làm tốt hay không tốt sẽ có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; đến vị thế, vai trò, danh dự, uy tín của Thủ đô. Trách nhiệm, niềm tự hào, vinh dự của chúng ta cũng thể hiện ở đây. Và ngược lại, sự day dứt, trăn trở, mất mát, tổn thương về văn hóa, tinh thần, đạo đức cũng là ở đây. Từ nhận thức đó, Ban Chỉ đạo Chương trình cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết tốt những vấn đề thuộc về chủ trương, quan niệm mà ý kiến còn khác nhau; giữa tư duy bao cấp tràn lan với vấn đề xã hội hóa trong một số lĩnh vực, như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Hơn ai hết, Hà Nội là nơi có thể làm tốt hơn nữa vấn đề huy động các nguồn lực của xã hội để chăm lo cho các nhu cầu bức xúc, chính đáng của người dân mà không nhất thiết phải ỷ lại, trông chờ vào nguồn kinh phí đang còn rất eo hẹp của thành phố. Từ đó, Ban Chỉ đạo Chương trình cần phát huy tính chủ động trong việc lồng ghép các nội dung thực hiện Chương trình 04 với các chương trình khác của Thành ủy. Phát huy vai trò của MTTQ, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở trong quá trình thực hiện chương trình, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô, với vị trí là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và giao dịch quốc tế của cả nước. Gắn nhiệm vụ thực hiện Chương trình với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính. Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí, với vị trí là Thủ đô, nhân dân luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao không chỉ về hiệu quả, chất lượng công việc, mà còn đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải năng động, khẩn trương, quyết liệt hơn; sự văn minh, thanh lịch phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người, cả trong lời nói lẫn việc làm. Càng tự hào là người Thủ đô bao nhiêu, trách nhiệm của chúng ta càng to lớn, nặng nề bấy nhiêu.

Thế nào là thanh lịch, văn minh? Đó là câu hỏi mà chúng ta đã nhiều lần hội thảo. Phải chăng đó cũng chính là những cái hay, cái đẹp về truyền thống đạo đức, văn hóa, giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội, từ lời ăn, tiếng nói; là phong cách, thái độ văn hóa, thân thiện, mến trọng mọi người... Những cái hay, cái đẹp này ngày càng được bồi đắp, tiếp thu, bổ sung thêm những giá trị tốt đẹp mới của cả nước, của nhân loại, loại bỏ những cái lạc hậu, không phù hợp với yêu cầu phát triển và tiến bộ. Văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh là gì? Theo tôi, nói gọn lại, là văn hóa tôn trọng mọi người để được mọi người tôn trọng.

Hai là, UBND thành phố cần rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, đặc biệt là cần xác định các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt để đảm bảo hoàn thành các chương trình, đề án, dự án của Chương trình 04, đồng thời tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện. Bên cạnh những vấn đề thuộc chủ trương, nhiệm vụ lâu dài, cần hết sức chú ý xử lý kịp thời những nhiệm vụ, những vụ việc cấp bách, trước mắt, khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời thực tế như một số trường hợp vừa qua. Những sự việc xảy ra ở rất gần chúng ta như chùa Trăm Gian; chùa Một Cột - Diên Hữu; Làng cổ Đường Lâm,... nhưng khi báo chí nêu lên chúng ta mới biết. Những việc như vậy, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, quản lý di tích, mà cả trong các lĩnh vực khác thuộc Chương trình số 04. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của Chương trình, như: Tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các bệnh viện, các công trình văn hóa, trong đó có Cung Thiếu nhi, Nhà hát Thăng Long.

Ba là, các cơ quan báo chí của thành phố cần chủ động làm tốt hơn nữa công tác thông tin; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bám sát hơn nữa thực tiễn đời sống xã hội, kịp thời phản ánh chính xác các vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô; tuyên truyền sâu rộng, sinh động hơn nữa về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; nhất là việc đưa bộ hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ra trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi đưa vào thực hiện.

Thời gian qua, báo chí đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố rất nhiều. Nếu chờ báo cáo của các cơ quan trong hệ thống bộ máy các cấp, thì nhiều việc không biết, hoặc biết rất chậm. Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tôi rất mong thành phố và các cơ quan báo chí phối hợp làm tốt hai việc như sau:

Thứ nhất, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phải có phản ứng kịp thời trước những thông tin, dư luận. Điều đó có nghĩa là phải khẩn trương kiểm tra, đánh giá xem, đúng chỗ nào, sai chỗ nào, để trao đổi và có thông tin phản hồi với báo chí theo đúng tinh thần Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin cho báo chí mà Thành ủy vừa ban hành.

Thứ hai, về phía các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm, chia sẻ với các cấp lãnh đạo, quản lý. Việc sát sao thông tin kịp thời của báo chí là rất tốt, nhưng thông tin báo chí đúng, sai hệ trọng vô cùng. Bởi vậy, rất mong các đồng chí cố gắng thẩm tra, xác minh thông tin ở mức tối đa có thể. Vừa chợt nghe đã thông tin, đăng ngay, thiếu thẩm tra, điều tra, khi sai không cải chính thì rất khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

Bốn là, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt chế độ giao ban, thông tin, báo cáo với các cấp; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; phê bình, biểu dương, khen thưởng; quan tâm hoàn thiện các biện pháp, như Bác Hồ đã nói: Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương; cảm ơn sự quan tâm, đồng hành, giám sát sát sao của các cơ quan báo chí trong những năm qua đã cùng với lãnh đạo thành phố quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô ngày càng thu được những kết quả tiến bộ, xứng đáng với vai trò là Thủ đô của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Hà Nội là nơi có thể làm tốt hơn nữa vấn đề huy động các nguồn lực của xã hội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.