(HNMO)- Chiều 28-11, HĐND TP tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 8 HĐND TP khóa XIV sẽ diễn ra trong các ngày từ 2-6/12 tới. Đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND TP chủ trì buổi họp báo cùng lãnh đạo các ban của HĐND TP
à Nội tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 8 HĐND TP khóa XIV sẽ diễn ra trong các ngày từ 2-6/12. Phó chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt chủ trì buổi họp báo.
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP là kỳ họp cuối năm để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng |
Trọng tâm của Kỳ họp thứ 8 HĐND TP sẽ xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, dự toán ngân sách năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 của TP Hà Nội và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND theo tờ trình của Thường trực HĐND và UBND TP.
HĐND TP thực hiện giám sát Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, các cơ quan chức năng; đồng thời thực hiện quyền giám sát thông qua chất vấn trực tiếp tại kỳ họp về tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND, các nhiệm vụ trọng tâm của TP, tình hình giải quyết các vấn đề bức xúc được dư luận, cử tri và đại biểu quan tâm.
Về nội dung cụ thể tại kỳ họp, HĐND TP sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết thường kỳ và chuyên đề về 7 nội dung: Nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của TP Hà Nội năm 2014; Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 của TP Hà Nội; Dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP năm 2014 của TP Hà Nội; Giao biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2014; Giá các loại đất năm 2014 trên địa bàn TP Hà Nội; Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2014 và Chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2014.
Các nội dung chuyên đề được xem xét, thảo luận gồm: Quy hoạch đê điều TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao của TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030; Một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND TP; đặt, đổi tên một số đường phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP; danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và các giá trị văn hóa phi vật thể (theo Luật Thủ đô)…
Kỳ họp cũng dành thời gian 1 ngày (5-12) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung chất vấn được Thường trực HĐND TP tổng hợp từ các kiến nghị của cử tri, đề nghị của đại biểu để chuyển đến UBND và các cơ quan chức năng trả lời.
Trong khuôn khổ của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND TP sẽ lựa chọn một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm và có tính bức xúc để UBND TP trả lời trực tiếp tại hội trường.
Phiên chất vấn kỳ họp này, HĐND cũng dành thời gian để đại biểu HĐND TP nghe báo cáo của UBND TP và có thể tái chất vấn về việc giải quyết những nội dung đã chất vấn theo kết luận của chủ tọa tại kỳ họp thứ 7.
Trả lời các câu hỏi về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho biết, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã ký thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường.
Đề án này TP Hà Nội theo quy trình đã chuẩn bị từ lâu, đến nay được Chính phủ phê chuẩn. Quy trình thực hiện theo đúng Nghị định 62 của Chính phủ ban hành năm 2011. Hiện nay các xã cũ và UBND huyện Từ Liêm đang triển khai các bước và chính thức được bổ sung vào chương trình của kỳ họp này. Theo chỉ đạo của Chính phủ, HĐND TP sẽ có phiên họp để thông qua nghị quyết về địa giới hành chính.
“Việc này Hà Nội đã chuẩn bị từ rất lâu, nay được Chính phủ phê chuẩn thì chúng ta sẽ thực hiện theo quy trình” – ông Nam nhấn mạnh
Ông Nguyến Tuấn Thịnh, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Cụ thể, tình hình thu ngân sách năm 2013 rất khó khăn, trên địa bàn TP cũng như địa phương đều không đạt dự toán. Ngay từ khi lập dự toán năm 2013, HĐND TP đã xác định là năm thu ngân sách khó khăn, do đó quán triệt từ đầu năm là thực hiện tiết kiệm chi ngân sách.
Vừa qua, TP có quyết định cắt giảm hơn 1000 tỷ cho các dự án có thể dãn, hoãn tiến độ; đồng thời phát hành trái phiếu tập trung cho các công trình trọng điểm. Năm 2013, TP sẽ phát hành 5000 tỷ đồng trái phiếu tập trung đầu tư cho các công trình này.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong năm 2013, TP chế tối đa việc mua sắm xe công. Thực tế đã cắt giảm toàn bộ kinh phí mua sắm xe mới. Năm 2014 sẽ tiếp tục không bố trí mua xe mới, trừ xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa.
Việc sử dụng xe công cơ bản đúng quy định, không có tình trạng sử dụng xe công sai mục đích.
Về việc xây dựng một số cổng chào tiền tỷ trên QL 32, ông Thịnh cho biết những công trình này thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách quận, huyện, thị xã, tuân theo đúng quy trình, quy định. Các công trình này có tính mỹ thuật, hiệu quả hay không thì phụ thuộc vào nhiều góc nhìn khác nhau.
“Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc tính toán hiệu quả của một công trình tại một thời điểm thì không đầy đủ. Có những con đường trước đây xây dựng quá lớn, quá rộng thì đến nay đã quá tải, chật chội, phải xây dựng cầu vượt. Do đó, hiệu quả với mỗi công trình phải tính theo giai đoạn” - ông Thịnh chia sẻ
Thông tin về việc bổ sung nhân sự của UBND TP do ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghỉ hưu vào tháng 10 vừa qua, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐNT TP cho biết hiện TP đang thực hiện quy trình xem xét, bầu Phó Chủ tịch mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.