(HNMO) – Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về công thương năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016,do Sở Công thương Hà Nội tổ chức chiều 7/1.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan-Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP tăng 8,3% so với năm 2014. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9,11% (đóng góp 3,79% vào mức tăng chung); trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 116.451 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2014.
Những tháng cuối năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số sản xuất luôn ở mức tăng khá. Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần. Tại thời điểm 1/12/2015, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6% so với tháng trước đó.
Về thương mại, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn ổn định, lượng hàng khá dồi dào, giá cả được kiểm soát, không xảy ra hiện tượng hiếu hàng hoặc tăng giá đột biến do công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, Tết đã được UBND TP, các sở, bàn, ngành và các đơn vị kinh doanh chỉ đạo quyết liệt, triển khai sớm. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 chỉ tăng 0,7% so với năm 2014.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn |
Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 9,91% (đóng góp 5,34% vào mức tăng chung). Tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt 1.937.917 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2014; trong đó bán lẻ đạt 463.556 tỷ đồng, tăng 11,5%.
Về xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong năm 2015 do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt mức khiêm tốn với 11.348 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 8.123 triệu USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu là 25.497 triệu USD, tăng 4,5%; trong đó nhập khẩu địa phương là 10.982 triệu USD, tăng 4,6%.
Cũng trong năm 2015, ngành công thương TP đẩy mạnh kháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sở đã phối hợp với liên ngành tham ưu UBND TP bàn hành quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2015; tham gia ý kiến xem xét hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 35,3 tỷ đồng, tổng đó hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 doanh nghiệp với số tiền 11 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất kinh doanh cho 14 doanh nghiệp với số tiền 24,3 tỷ đồng. Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được triển khai. Cả năm 2015, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay ưu đãi 110.000 tỷ đồng, giải ngân 85.000 tỷ đồng cho 4.000 doanh nghiệp, tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2014.
Cùng với đó, công tác bình ổn giá, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện tôt, nhiều hàng Việt đã được đưa về bán tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại hội nghị, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Phan Tiến Bình đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; hai cá nhân thuộc đơn vị của Sở được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Sở Công thương được Bộ Công thương tặng Cờ thi đua vì có tích tích xuất sắc trong năm 2015; 10 tập thể của Sở được Bộ Công thương tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" năm 2015. Ngoài ra, nhiều cá nhân và tập thể của Sở đã được UBND TP trao tặng cờ thi đua và bằng khen. |
Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường cũng được ngành chú trọng. Năm 2015, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 8.507 vụ, xử lý hơn 8.000 vụ vi phạm, vượt hơn 40% so với chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra đầu năm. Tổng số thu nộp ngân sách là 113,85 tỷ đồng, đạt 189,7% so với chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra; trong đó phạt hành chính hơn 45 tỷ đồng, giá trị thu hơn 21 tỷ đồng…
Trong năm 2016, ngành Công thương Thủ đô phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 10,5-11% so với năm 2015; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng 11-12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; 100% cụm công nghiệp xây dựng mới đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung, 50% cụm công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương ngành công thương Thủ đô về những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu thời gian tới ngành cần tập trung hơn nữa đến phát triển công nghiệp và thương mại, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Hà Nội cần có nhiều sản phẩm công nghiệp nhưng sản phẩm phải có chiều sâu, có giá trị cao; việc kêu gọi đầu tư và xuất khẩu cũng cần được chú trọng.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý, trong năm 2016, ngành cần đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, phát triển công nghiệp cần được chú trọng, trong đó phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố theo hướng có chất lượng hơn, giá trị hơn.
Phó Chủ tịch yêu cầu khắc phục khăn, có giải pháp mạnh để xuất khẩu đạt kết quả cao hơn. Năm 2015, việc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam được thực hiện tốt, mức bán lẻ tăng cao, vì thế ngành cần thực hiện tốt hơn nữa, đặc biệt là thực hiện các chương trình khuyến mãi, đưa hàng về nông thôn, bình ổn giá; cùng với đó, cần quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng lưu ý ngành chủ động trong hội nhập quốc tế. Một vấn đề nữa rất quan trọng là trước mắt ngành tập trung phục vụ Tết nguyên đán, bảo đảm cung-cầu hàng hóa, không được để thiếu hàng trong dịp Tết; hàng hóa phải dồi dào, đảm bảo chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.