(HNMO) - Sáng 6-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I-2020 của UBND thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thuộc thành phố dự tại các điểm cầu.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm, tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I-2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2020 tăng 3,72%. Cụ thể, các ngành dịch vụ tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; nông nghiệp giảm 1,17%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1%; kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3%... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 71.383 tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán năm. Thành phố cũng chi đầu tư phát triển đạt 4.417,1 tỷ đồng, bằng 9,8% dự toán... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 5,23% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến thành phố giảm 47,2%, trong đó khách quốc tế giảm 43,9%, kéo theo tổng doanh thu từ du lịch giảm 38,8%. Công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân chỉ đạt 23,4%.
Tổng vốn đầu tư xã hội trong quý I-2020 đạt 63,04 nghìn tỷ đồng.Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước đạt 7,14 nghìn tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Làm rõ hơn về tình hình kinh tế nông nghiệp của thành phố trong 3 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, tăng trưởng giảm 1,17% so cùng kỳ năm trước 2019, qua đó gián tiếp làm giảm 0,03% điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn.
Trong quý I-2020, diện tích gieo trồng cây vụ Đông giảm 10,1% so với vụ Đông năm trước nên mặc dù năng suất có tăng nhẹ nhưng sản lượng giảm so với cùng kỳ... Kết quả chăn nuôi lợn cũng giảm do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019 và xuất hiện rải rác trong tháng Giêng năm nay nên việc tái đàn chưa rộng rãi, hiện tổng đàn lớn của thành phố mới đạt 1,1 triệu con ( năm 2019 là 1,8 triệu con)…Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong quý I ước tính giảm 41,2% so với cùng kỳ.
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, từ tháng 3-2020, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn do phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, có khoảng 15.000 hộ kinh doanh nghỉ. Đến đầu tháng 4-2020, có hơn 128.000 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp chế tạo, vận tải, đào tạo… Trước tình hình đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tăng cường các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn; đưa ra các kịch bản tháo gỡ nguồn thu ở 3 cấp trung ương, thành phố và địa phương, xác định nguyên nhân để hỗ trợ.
Cục Thống kê Hà Nội cũng thông tin, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý I-2020 là khu vực dịch vụ, vận tải, kho bãi, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí. Qua tính toán sơ bộ, ngành vận tải, kho bãi giảm 5,15%; du lịch, lữ hành giảm 5,95%. Riêng 4 ngành này đã làm giảm GRDP của thành phố khoảng 1,26%, ảnh hưởng rất mạnh đến tăng trưởng quý I-2020 của Hà Nội.
Khu vực thứ 2 bị ảnh hưởng là công nghiệp, xây dựng do tác động bởi tình hình xuất khẩu. Sản phẩm bia rượu ngoài chịu ảnh hưởng của dịch thì còn do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng trong người dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhận định, từ tháng 3, đặc biệt là quý II và các tháng cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, các chỉ tiêu kinh tế sụt giảm so với kế hoạch đề ra và so với cùng kỳ. Trong đó, sụt giảm thu ngân sách là rõ nét nhất, đặc biệt khi thành phố thực hiện giãn, hoãn một số khoản thu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan tài chính rà soát lại tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, rà soát từng lĩnh vực để đánh giá dự toán thu ngân sách mà khả năng sẽ đạt được trong năm 2020, từ đó xây dựng phương án ngân sách để thực hiện dự toán trong tình hình cụ thể. Chủ đầu tư các dự án cần tích cực phối hợp với các quận, huyện, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Khối lượng đến đâu cần thực hiện nghiệm thu, làm hồ sơ để giải ngân kịp thời. Trong điều kiện hiện nay, việc giải ngân vốn kịp thời cho các nhà thầu cũng là một giải pháp rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nêu ra 3 vấn đề các địa phương, đơn vị cần lưu ý trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trong đó phải tập trung tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%; cung cấp đủ lương thực,thực phẩm cho người dân thành phố. “Đây là nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên thành phố sẽ có chính sách khuyến khích, kích cầu cho khu vực nông nghiệp”, đồng chí Nguyễn Văn Sửu nêu rõ.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với lụt bão, thiên tai; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”
Sau khi nghe đại diện các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, thời gian tới, thành phố sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vì chưa thể đánh giá được điểm dừng của dịch Covid-19.
“Do đó phải nhìn rõ nguy cơ để đề ra những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế - xã hội”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Trong giải quyết công việc cho người dân, thực hiện mua sắm các trang thiết bị y tế để chống dịch, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành cần thực hiện đúng quy trình nhưng trên quan điểm phải thực hiện nhanh, dứt khoát.
“Thời gian này, mặc dù thực hiện cách ly xã hội nhưng các cơ quan của thành phố phải tích cực làm việc phục vụ nhân dân”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư, hộ gia đình; luôn cập nhật, đổi mới công tác tuyên truyền đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân về nguy cơ của dịch.
Các quận, huyện, thị xã phải tổ chức tốt việc cách ly xã hội; cùng với công tác phòng, chống dịch phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp và rà soát lại các trang thiết bị phòng, chống thiên tai; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội và các đối tượng được trợ cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đôn đốc, triển khai 237 dịch vụ công đạt mức độ 4, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các quận, huyện, thị xã và ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện, đồng thời rà soát chi tiết các dự án mới, tháo gỡ khó khăn tại các dự án của doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài; tập trung đôn đốc thi công các công trình thiết yếu với yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thi công.
Đặc biệt, các địa phương cần tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp; các đơn vị của thành phố thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tăng cường công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng. Các doanh nghiệp trực thuộc thành phố rà soát hoạt động để đánh giá tác động của dịch Covid-19, chủ động xây dựng lại quy trình quản lý, cắt giảm chi phí. Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố tiếp tục triển khai kiểm tra công vụ và kiểm tra đột xuất.
UBND thành phố cũng giao Sở Công Thương làm tốt công tác kết nối cung cầu với các địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ngành Giáo dục thành phố cần tập trung các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức phòng, chống dịch để học sinh đi học trở lại khi đủ điều kiện; triển khai thống kê con em hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch để đề xuất chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Nội vụ tổ chức thi, xét tuyển chỉ tiêu giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên khi học sinh đi học trở lại.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý các cơ quan của thành phố cần chuẩn bị tốt nhất các nội dung phục vụ kỳ họp HĐND thành phố, dự kiến diễn ra vào tháng 7-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.