(HNMO) - Ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng lãnh đạo Sở Xây dựng đã đi kiểm tra hiện trường và đôn đốc các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 5 trên địa bàn TP.
Một xe taxi bị cây đè bẹp trên phố Lò Đúc sau trận mưa chiều 17/8. |
Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 5 kèm mưa to và gió mạnh, đã có 155 cây xanh trên nhiều tuyến phố bị đổ hoặc gẫy cành. Trong đó tại quận Hoàn Kiếm có 36 cây đổ (chủ yếu là Xà cừ, Phượng, Bằng lăng...); tại quận Hai Bà Trưng có 65 cây đổ (chủ yếu là Muồng, Phượng...); quận Ba Đình đổ 9 cây, quận Tây Hồ đổ 11 cây, quận Hoàng Mai đổ 5 cây, quận Long Biên đổ 2 cây... Trong nhiều năm qua, đây là trận mưa giông lớn khiến cây đổ nhiều nhất. Ngay cả những cây lớn vài chục tuổi cũng bị bật gốc. Trận mưa lịch sử gây úng ngập nghiêm trọng tại Hà Nội vào cuối năm 2008 cũng chỉ làm đổ 88 cây xanh.
Ngay trong cơn mưa, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã huy động 100% nhân lực, phương tiện xuống các địa điểm xảy ra sự cố tổ chức cắt cây, dọn cành lá nhằm giải tỏa giao thông một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, do mưa lớn, số lượng cây đổ nhiều, giao thông tại nhiều khu vực trở nên hỗn loạn nên việc giải tỏa cây đổ, cành gãy gặp không ít khó khăn. Toàn bộ công nhân đã phải làm việc suốt đêm 17 và ngày 18/8. Công việc bị gián đoạn vào thời điểm từ 3 - 5 giờ sáng ngày 18/8 do mưa to, gió giật mạnh, lãnh đạo Công ty đã yêu cầu tạm dừng để bảo đảm an toàn cho công nhân. Trong cả ngày 18/8, Công ty đã phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội tổ chức thu dọn cành lá, vận chuyển hết các cành cây gẫy cản trở giao thông. Đến 15 giờ cùng ngày hầu hết các cây đổ đã được thu dọn xong và thông đường cho các phương tiện đi lại bình thường.
Báo cáo nhanh với lãnh đạo TP và Sở Xây dựng, ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: tính đến 9 giờ sáng ngày 18/8, tổng lượng mưa đo được tại các trạm gồm Vân Hồ là 179mm; Xuân Đỉnh: 140mm; Trúc Bạch 145mm; Yên Sở: 125mm; Hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia 85mm; Đông Anh 160mm; Thanh Liệt: 141mm; Hồ Tây A: 160mm; Long Biên 109mm. Nhằm hạn chế úng ngập, bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 18/8, toàn bộ 100% CBCNV của công ty đã ứng trực tại các điểm úng ngập để tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường, dọn dẹp cây bị đổ, gãy. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Tuy nhiên, trạm bơm Đồng Bông II bị mất điện nên không vận hành được. Đến 8 giờ 30 phút, các vị trí úng ngập nước đã cơ bản rút hết, giao thông đi lại bình thường.
Tại hiện trường, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đánh giá cao nỗ lực của CBCNV các đơn vị Công viên cây xanh Hà Nội, Thoát nước Hà Nội, Môi trường đô thị Hà Nội, lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT đã góp phần giảm thiểu úng ngập, giải tỏa cây đổ, hướng dẫn phân luồng giao thông nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Thời tiết còn diễn biến bất thường, TP yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên; tăng cường biển báo, cảnh báo trên đường bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông; khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT có phương án hạ thấp mực nước sông Nhuệ để nước từ nội thành có thể thoát ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Đồng thời tiếp tục hạ mực nước đệm tại các kênh dẫn, sông hồ đến mức tối đa để khi mưa xuống sẽ thoát nhanh, hạn chế úng ngập.
Bên cạnh đó, TP yêu cầu Công ty Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp chặt chẽ cùng Công ty Môi trường đô thị sau khi giải tỏa cây phải dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; giao Thanh tra Sở GTVT và CSGT tiếp tục tập trung lực lượng hướng dẫn phân luồng giao thông tại các điểm úng ngập, cây gãy đổ; Tổng công ty Điện lực Hà Nội bố trí cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm thoát nước để đối phó với úng ngập khi mưa to...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.