Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội kêu gọi đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Nhật Bản

Võ Lâm| 21/03/2012 19:35

(HNMO) - Hôm nay 21-3, tiếp tục chuyến công tác tại Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo và Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Kitamura Takashi đã cùng chủ trì hội thảo về kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị. Đây là sự kiện đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp Nhật Bản

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ MLIT, các doanh nghiệp chuyên xây dựng, quản lý và kinh doanh đường sắt Nhật Bản như Công ty cổ phần tàu điện ngầm Tokyo (Tokyo Metro), Công ty cổ phần đường sắt Đông Nhật Bản (JR-East) và một số chuyên gia ngành giao thông vận tải Nhật Bản.

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị nhằm tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng, kết nối thuận tiện giữa các khu vực với nhau, nhất là giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Cho rằng nhu cầu phát triển đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông đang ngày càng bức xúc, Chủ tịch khẳng định, hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài, trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề này. Vì vậy, TP rất mong muốn, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản với kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành đường sắt hàng chục năm qua sẽ nghiên cứu quy hoạch, tìm hiểu để tăng cường hợp tác đầu tư vào các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Chủ tịch khẳng định, mục đích chuyến công tác lần này của TP Hà Nội đến Nhật Bản trước hết là sự khẳng định thêm quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước đã được ký kết nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm 2010. Đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của MLIT, cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc tăng cường hỗ trợ Hà Nội phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn ODA. Mặt khác, một điểm mới là Hà Nội kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ Nhật Bản vào trang thiết bị, hạ tầng để vận hành, quản lý và khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình công ty hợp doanh (PPP).

Cùng với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, phần trình bày chi tiết về quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp nước bạn bày tỏ rất quan tâm đến các dự án xây dựng đường sắt đô thị theo mô hình mà Hà Nội đề xuất. Cũng tại đây, một số nhà quản lý, chuyên gia Nhật Bản về lĩnh vực đường sắt đô thị đã thông tin về lịch sử phát triển, cách thức vận hành, quản lý, khai thác, đặc biệt là những kinh nghiệm đã có được sau 140 năm lịch sử phát triển đường sắt và 80 năm phát triển tàu điện ngầm đô thị. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, nhưng cần thận trọng trong việc đầu tư từng hạng mục để có phương án tối ưu và bền vững nhất.

* Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã giới thiệu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải, Du lịch Nhật Bản do ông Shogo Tsugawa, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng dẫn đầu. Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Văn Hải đã trình bày khái quát quy hoạch chung và giới thiệu chi tiết về một số đô thị vệ tinh, khu công nghệ cao Hòa Lạc, đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông Thủ đô trong tương lai. Thứ trưởng Shogo Tsugawa và đại diện các cơ quan Nhật Bản tỏ ra rất quan tâm đến các nội dung này, nhất là các định hướng phát triển giao thông vận tải, các tuyến đường kết nối giữa trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Trước đó, đoàn đã nghe Công ty Tư vấn OC (Nhật Bản) giới thiệu các phương án kiến trúc 3 ga tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, giai đoạn 1). Tuy nhiên, đoàn công tác chưa nhất trí 2 phương án mà công ty này đề xuất. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu tư vấn cần phải tích hợp thêm các nội dung để phương án thiết kế các ga phù hợp với khí hậu phức tạp của miền Bắc, bảo đảm cả tính chất hiện đại và truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, các ga phải có cấu trúc để có thể phát triển thêm các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đi kèm như mô hình phát triển của đường sắt Nhật Bản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội kêu gọi đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.