Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân “vượt bão”

Bạch Thanh| 09/03/2012 07:27

Đến hết tháng 12-2011, tổng nguồn vốn hoạt động của 98 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn TP đã đạt 3.921 tỷ đồng, tăng 256 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 3.131 tỷ đồng, tăng 119 tỷ đồng. Nợ xấu chỉ có 10,8 tỷ đồng, chiếm 0,3% so tổng dư nợ.


QTDND đã giúp các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.


Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ tín dụng nhân dân, nhiều hộ gia đình tại huyện Đan Phượng đã có nguồn vốn để phát triển    sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Bá Hoạt

Theo tính toán, ở thị trường nông thôn, với địa bàn một xã thì mức vốn bình quân 37,3 tỷ đồng của QTDND đã tạo thêm nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình như QTDND Văn Khê ở quận Hà Đông đã trực tiếp hỗ trợ cho hàng trăm hộ vay mở rộng dịch vụ, chuyển đổi nghề nghiệp sau khi bị thu hồi đất. Hay QTDND Chuyên Mỹ- Phú Xuyên đã hỗ trợ hàng nghìn thành viên phát triển sản xuất làng nghề, dịch vụ. Thực tế ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhất là các huyện thuần nông như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên… dịch vụ ngân hàng thương mại (NHTM) chưa phát triển đến xã thì QTDND càng thể hiện rõ vai trò "bà đỡ" gần dân, giúp các thành viên, các hộ gia đình có điều kiện xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng trong nông nghiệp... Điển hình như QTD Lê Thanh - Mỹ Đức; Đông Lỗ - Ứng Hòa đã cho hơn 80% số hộ trên địa bàn vay vốn để phát triển nông nghiệp, dịch vụ. Mặt khác, với tư cách là một DN, QTDND đóng góp một cách đáng kể các khoản thuế hằng năm cho ngân sách địa phương, trực tiếp tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã, phường.

Nhìn chung các QTD trên địa bàn Hà Nội vẫn duy trì được khả năng chi trả, tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn vốn huy động dân cư đã suy giảm khá nhiều (244 tỷ đồng). Nguyên nhân là do những biến động bất thường trên thị trường theo chiều hướng xấu. Nhiều DN, cá nhân huy động vốn với lãi suất cao rồi xù nợ, bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ như vụ Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông (150 tỷ đồng), vụ DN Quang Quyên ở Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (trên 300 tỷ đồng)… ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, rút tiền gửi trước hạn… dẫn đến những khó khăn trong chi trả. Một số QTD chưa cân đối được kỳ hạn tiền gửi và cho vay nên gặp khó khăn về thanh khoản như QTD Phùng Xá, Hương Sơn huyện Mỹ Đức, thị trấn Quốc Oai huyện Quốc Oai, Bình Yên huyện Thạch Thất.

Bên cạnh đó, việc đăng ký giao dịch bảo đảm trong hoạt động cho vay của các QTDND cơ sở gặp nhiều khó khăn do tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất của các xã có QTDND chậm. Việc chỉnh sửa hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của QTDND theo luật mới còn chậm, còn thiếu cơ chế hỗ trợ vốn cho các QTDND khi thiếu thanh khoản hoặc mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng nhiều đến sự an toàn và phát triển của QTDND.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, để tăng năng lực cạnh tranh, hệ thống QTDND cần phải có những bước đột phá từ việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cải thiện năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng tài chính và đầu tư công nghệ và các hoạt động nghiệp vụ theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam, tích cực thu hồi nợ quá hạn và kiên quyết xử lý đối với những QTDND cơ sở còn vi phạm nguyên tắc tín dụng, vi phạm chế độ quy định và các văn bản chỉ đạo của NHNN. Các QTDND yếu kém hoặc có sai phạm lớn qua thanh tra phải xây dựng và thực hiện phuơng án củng cố chấn chỉnh tổ chức, hoạt động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân “vượt bão”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.