(HNMO) - Bảo vệ môi trường trên địa bàn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn với đất; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị là những nội dung lớn được đặt ra tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chủ trì hội nghị tại đầu cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 1 Trần Phú, quận Hà Đông).
Kết quả cấp giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng trình bày, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, rõ nét sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016. Tổng số thửa đất cần cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai toàn thành phố là 1.551.951 thửa. Tính đến ngày 1-6-2017, thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai lần đầu là 1.497.972 thửa, đạt 96,52%. Thành phố quyết tâm đến ngày 30-6-2017 sẽ cấp giấy chứng nhận được 1.320.206/1.355.510 thửa (đã kê khai, đủ điều kiện), đạt 97,4%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 196.441/196.441 thửa, đạt 100%.
Quang cảnh Hội nghị. |
Cũng tính đến ngày 1-6-2017, toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở được 149.012/178.278 căn hộ, đạt 83,58%, còn lại 29.266 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận. Ước tính đến ngày 30-6-2017, số giấy chứng nhận sở hữu nhà được cấp sẽ tăng lên đạt 84,14%. Thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư được 11.380/14.027 căn hộ, đạt 81,13%. Đạt kết quả cao nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho hộ gia đình, cá nhân. Đến ngày 1-6-2017, toàn thành phố đã cấp được 611.210/625.257 trường hợp, đạt 98%. Ngoài ra, thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận được 73,02% thửa đất cho các tổ chức; cấp giấy chứng nhận 360 thửa đất cho cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Như vậy, kết quả cấp giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn thành phố đã đạt tỷ lệ cao.
Kết quả nêu trên phản ánh quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, các ngành, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND thành phố và các ngành, sự cố gắng của các quận, huyện, thị xã và sự đồng thuận của nhân dân thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng báo cáo tại hội nghị về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội. |
Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ rõ, việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhiều quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký, kê khai của người dân. Việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình sau dồn điền đổi thửa chưa dứt điểm. Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến những bất cập nêu trên. Trong đó, về cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, có các nguyên nhân như: nhiều trường hợp người sử dụng đất không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính, không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận; cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của thành phố chưa hoàn thiện, nhiều nơi chưa có bản đồ; một số bản đồ chưa được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, ảnh hưởng đến kê khai, cấp giấy chứng nhận; nhiều trường hợp sử dụng đất trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chưa có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, nhưng có vi phạm pháp luật đất đai…
Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xác định sẽ triển khai đồng bộ 12 giải pháp. Trong đó, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được thành lập; chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm đối với các quận, huyện, thị xã trong việc cấp giấy chứng nhận; rà soát đề án vị trí việc làm của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai để bố trí biên chế, bảo đảm trong việc kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động theo quy định…
Việc gìn giữ trật tự đô thị, văn minh đô thị đã dần đi vào nền nếp
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố cho biết, nhờ sự chỉ đạo sâu sát và sự tham gia tích cực của các đoàn thể nhân dân, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị đã có nhiều chuyển biến rõ nét; nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân đã thay đổi; việc gìn giữ trật tự đô thị, văn minh đô thị đã dần đi vào nền nếp, đặc biệt là trong việc lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ 197 ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện giao thông, thành phố đã có nhiều giải pháp đổi mới tuyên truyền, ban hành hàng trăm thư ngỏ, thành lập tổ tuyên truyền ký cam kết tại các địa phương, lập đường dây nóng… Qua 12 tháng thực hiện, tình hình đã có chuyển biến, tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện giảm, các bục bệ vi phạm vỉa hè, lòng đường được tháo dỡ…
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; tình trạng bán hàng rong chưa được giải quyết; hoạt động trông giữ xe, vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường chưa xử lý triệt để, một bộ phận người dân có nhà mặt phố chưa thông cảm, hợp tác với việc gìn giữ vệ sinh, văn minh đô thị, thậm chí có hành vi chống đối, điển hình là vụ hành hung một nữ công nhân môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm…
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phần thảo luận. |
Đề xuất các giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương
Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, hội nghị bước vào thảo luận.
Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch 01 của thành phố, quận đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo; duy trì giao ban cán bộ chủ chốt toàn quận; ký 10.000 cam kết giữ gìn trật tự văn minh đô thị; xây dựng phương án để người dân tự sắp xếp chỗ để phương tiện giao thông; thu hồi 10 điểm giao thông tĩnh, bổ sung 5 điểm với gần 38.000m2 và 81 điểm trông giữ xe phục vụ cho khu vực đi bộ quanh Hồ Gươm; xử lý 164 tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, 126 bãi giữ xe trái phép, phá 800 bục bệ lấn chiếm lòng hè đường; dỡ bỏ các biển hiệu cũ nát; triển khai việc trông giữ xe theo ngày chẵn - lẻ và trông giữ xe qua ứng dụng điện thoại di động… Nhờ đó, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn có nhiều chuyển biến, bước đầu thiết lập trật tự vỉa hè, phục vụ không gian đi bộ tốt hơn... Tuy nhiên, do địa bàn có dân cư đông, lượng khách du lịch lớn, các hộ dân kinh doanh dày đặc nên xảy ra hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngoài giờ hành chính, thu phí trông giữ xe cao hơn mức quy định; ùn tắc giao thông cục bộ ở một số tuyến phố trong những ngày tổ chức phố đi bộ…
Thời gian tới, ngoài thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế của địa phương, quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị UBND TP sớm xem xét thống nhất phương án quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương (như vẫn cho phép để xe máy ở những vỉa hè có mặt cắt từ 2,5m); nghiên cứu cách tổ chức không gian giao thông tĩnh ngầm - nổi phù hợp với địa bàn...
Với quyết tâm trở thành một trong những quận sạch đẹp của thành phố, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết, quận đã xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện việc gìn giữ trật tự, văn minh đô thị bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức như: thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện ký cam kết gìn giữ vệ sinh, trật tự đô thị; giám sát xử lý vi phạm với số tiền xử lý đã thu được là 3,8 tỷ đồng; duy trì việc kiểm tra trật tự đô thị từng phường vào sáng sớm hàng ngày; chỉnh trang đô thị, phá dỡ mái che, mái vẩy, xử lý đường dây nổi - ngầm. … Để bộ mặt đô thị ngày càng sạch, đẹp, quận kiến nghị thành phố cho phép dùng kinh phí của quận để chỉnh trang cả những tuyến phố có mặt cắt trên 16m.
Đề cập đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải chia sẻ, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây là vấn đề “nóng” của quận, từng có lúc gây mất ổn định, mất an toàn, nhưng sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 09-CT/TU, Quận ủy đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Bí thư Quận ủy làm trưởng ban, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quận đã thành lập các tổ công tác, thay vì mời người dân lên trụ sở làm việc, cán bộ đã xuống tận nhà dân để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ việc làm hồ sơ, thủ tục... Nhờ đó, nhiều hộ dân, trong đó có những người đã chờ đợi cả chục năm, hết sức phấn khởi, vui mừng vì giờ đã được cấp “sổ đỏ”.
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, để làm tốt công tác cấp giấy chứng nhận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn bảo đảm tiến độ; ký cam kết với 16 chủ tịch xã, thị trấn và các bộ phận liên quan, cam kết chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng chỉ tiêu, tiến độ yêu cầu. Huyện cũng thành lập các tổ công tác xuống tận khu dân cư để hướng dẫn người dân kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận. Huyện còn cung cấp công khai 3 số điện thoại di động của lãnh đạo huyện để người dân có thể liên lạc, phản ánh trực tiếp. Đến nay, 15/16 xã, thị trấn đã hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu; xã chưa hoàn thành là Tả Thanh Oai thì cũng đã xong gần 96% khối lượng công việc.
Đồng tình với 13 nguyên nhân được đề ra trong báo cáo của thành phố, huyện Thanh Trì kiến nghị thêm hai vấn đề: Hiện nay trên địa bàn huyện có 57 khu tập thể chưa được bàn giao, đề nghị thành phố chỉ đạo để huyện thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới; có 1 xã có 24 trường hợp có bản án trong đó có kiến nghị thu hồi đất vì diện tích này được bán trái thẩm quyền, nhưng hiện nay, các hộ dân sử dụng ổn định, không có tranh chấp, đề nghị thành phố tháo gỡ.
Nhất trí với ý kiến thảo luận của lãnh đạo các địa phương về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho rằng, đến thời điểm này, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu của các địa phương trên địa bàn thành phố đạt cao, những trường hợp còn lại chưa được cấp không nhiều nhưng lại là những trường hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của luật. Do đó, thành phố cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến, khó khăn, vướng mắc thực tế tại các địa phương báo cáo các bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ để sớm giải quyết, cấp giấy cho nhân dân…
Bàn sâu về vấn đề bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, trên địa bàn quận hiện nay nổi lên một số vấn đề như: có 18 trạm trộn bê tông - là nơi dễ phát sinh ô nhiễm môi trường, chất thải rắn. Ngoài ra, quận Hoàng Mai là cuối nguồn của một số con sông bị ô nhiễm nặng, nên môi trường sống của quận cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Để giảm thiểu những ảnh hưởng trên, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề nghị thành phố sớm triển khai dự án thu gom và xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm các con sông trên địa bàn thành phố; quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm triển khai của các dự án trên địa bàn - bởi đây là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng đổ trộm phế thải; có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho quận đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn lực tập trung cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận...
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 11, Sở Xây dựng đã tích cực tham gia phối hợp với các sở, ngành của thành phố triển khai thực hiện; rà soát quy hoạch ngành; quán triệt thực hiện các nội dung cụ thể. Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, song thực tế vẫn còn những điểm “nóng” về vệ sinh môi trường…
Có thể nói, năm 2017 là năm đánh dấu bước ngoặt về công tác vệ sinh môi trường. Ngay từ đầu năm, thành phố đã thực hiện phân cấp mạnh về công tác này cho các địa phương. Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, các đoàn đã có báo cáo đề xuất thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thực tế cho thấy, thời gian tới cần kiện toàn lực lượng xử lý, xử phạt các hành vi xả rác thải bừa bãi, vì hiện nay, tuy đã có quy định xử phạt nhưng lực lượng thực thi còn mỏng nên hiệu lực, hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi này chưa cao…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị. |
Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang ở mức độ báo động, cấp bách. Vì vậy, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, từ thực tế đòi hỏi, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ, kiên quyết, quyết liệt trong triển khai thực hiện thì mới đạt được mục tiêu đề ra. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Thành ủy, từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào bảo vệ tầng nước mặt; tiếp tục quản lý tốt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xả thải; quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn; giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát các công trường xây dựng, bởi thời gian qua tuy đã có quy định cụ thể nhưng công tác này vẫn còn bị buông lỏng, chưa đạt yêu cầu đề ra. Thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố cần phân công rõ trách nhiệm, tránh sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, dần dần tạo thành nếp văn hóa ứng xử trong bảo vệ môi trường.
Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bí thư Thành ủy cho rằng, qua 10 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, thành phố đã đạt được những kết quả tốt. Từ đó cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của thành phố… Đây là kết quả đáng ghi nhận, được dư luận đánh giá cao. Tuy vậy, trên thực tế ở nơi này, nơi kia vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu. Do đó, thời gian tới, các sở, ngành cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp còn lại chưa được cấp; dù tỷ lệ còn ít nhưng sự “phàn nàn” của người dân cần phải được giải quyết kịp thời.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Song, trên thực tế, thực hiện bảo đảm “đường thông, hè thoáng” vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là cấp xã, phường dẫn đến tái lấn chiếm. Thời gian tới, các cấp, các ngành phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, quy trách nhiệm cụ thể để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy yêu cầu Công an thành phố cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đang tồn tại mà đã có kết luận của thanh tra. Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng chưa giảm. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố cần tăng cường quản lý, không được lơ là, buông lỏng; cần lên kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tồn tại, không để phát sinh thêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra của thành phố cần tăng cường hơn nữa kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.