(HNMO) – Trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang có khoảng 80.000 doanh nghiệp và gần 1.400 văn phòng đại diện, thu hút một lượng lớn lao động. Với một số mâu thuẫn nảy sinh, trong thời gian qua đã có không ít các cuộc đình công của người lao động diễn ra.
(HNMO) – Trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang có khoảng 80.000 doanh nghiệp và gần 1.400 văn phòng đại diện, thu hút một lượng lớn lao động. Với một số mâu thuẫn nảy sinh, trong thời gian qua đã có không ít các cuộc đình công của người lao động diễn ra.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương bình và Xã hội, từ năm 2009 đến hết tháng 10/2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 cuộc đình công tại khu công nghiệp, tập trung vào một số doanh nghiệp của Nhật bản và mang tính chất lan truyền. Tuy nhiên, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của thành phố về giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật nên các cuộc đình công nhanh chóng chấm dứt, người lao động dần ổn định về tư tưởng và tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Có thể thấy, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Chỉ thị số 22-CT-TƯ ngày 5/6/2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; ngăn chặn kịp thời việc xảy ra các cuộc đình công tự phát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động lành mạnh và ổn định tại nơi làm việc của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội; trong thời gian qua, các sở, ngành của thành phố, BQL khu công nghiệp và chế xuất, UBND các quận, huyện trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp có kết quả.
Theo đó, với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ quý III/2010 đã triển khai đề án: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012”. Dự kiến đề án này sẽ được hoàn thành vào năm 2012. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã kiện toàn lại Hội đồng trọng tài lao động thành phố; Phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội và TP Hồ chí Minh trong việc tôn vinh một số doanh nghiệp có thành tích trong phát triển ngành nghề truyền thống và thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, góp phần động viên và khuyến khích các doanh nghiệp trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động tốt hơn, tăng cường mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Sở cũng phố hợp với BQL khu công nghiệp và chế xuất, Liên đoàn lao động thành phố trong công tác giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Sóc Sơn… tạo một môi trường lao động lành mạnh, không xảy ra tranh chấp.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT-TƯ, bên cạnh công tác đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Sở cũng thực hiện kế hoạch thanh tra liên ngành các quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Công đoàn tại 30 doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó đã xử phạt 8 đơn vị, nộp ngân sách 84 triệu đồng, góp phần răn đe các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật với người lao động. Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 đơn vị nhà thầu chưa chấp hành đúng quy trình về an toàn lao động, xử phạt 235 triệu đồng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong lĩnh vực an toàn lao động.
Mặt khác, theo thống kê của BQL khu công nghiệp và chế xuất, tiền lương bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp dao động từ 2,2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, đối với giá cả sinh hoạt như hiện nay, đời sống của công nhân lao động trong các khu công nghiệp rất khó khăn. Theo đó, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và chăm lo cải thiện cuộc sống cho công nhân lao động bớt khó khăn, thành phố đã có dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong khu công nghiệp và chế xuất. Hiện tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã có một số căn nhà dành cho công nhân để thuê (tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu). Tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa mới xây dựng được khoảng 800 căn trên tổng số khoảng 4000 công nhân. Còn lại trong các khu công nghiệp chế xuất khác, thành phố đang tiếp tục có dự án đầu tư về nhà ở cho công nhân. Ngoài khó khăn về nhà ở, thu nhập, tiền lương, đối với người lao động còn nhiều khó khăn khác như nhà trẻ cho con em người lao động, cơ sở y tế, văn hóa giáo dục, khu thể thao vui chơi, giải trí tại các khu công nghiệp và chế xuất…
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhận định những tồn tại, bất cập qua một năm thực hiện Chỉ thị số 22. Đó là, Sở Lao động Thương binh và Xã hội chưa phối hợp được với các ngành, BQL khu công nghiệp chế xuất trong việc triển khai tổ chức hoạt động đối thoại với doanh nghiệp 6 tháng/lần về những nội dung thuộc quan hệ lao động; Chưa thành lập được Ủy ban quan hệ lao động thành phố do chưa chỉ định được đại diện giới chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp còn hạn chế, số lượng ít, lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục những bất cập trên, theo ông Hùng, dự kiến trong thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012”; Thành lập Ủy ban quan hệ lao động TP Hà Nội; Hướng dẫn quy trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, cá nhân, quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động trên địa bàn thành phố và các pháp luật khác có liên quan; Hướng dẫn kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên cấp quận, huyện và Hội đồng hòa giải cơ sở. Bên cạnh đó là tổ chức đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi xây dựng và thương lượng thỏa ước lao động tập thể; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp.
Mặt khác, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ Luật Lao động chưa phù hợp với thực tế như tiền lương tối thiểu vùng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, chính sách đối với lao động nữ; Kiến nghị UBND TP Hà Nội phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp VN tổ chức đại diện giới chủ sử dụng lao động của Hà Nội nhằm tạo điều kiện để thành phố lập Ủy ban quan hệ lao động.
Những thông tin trên đã được ghi lại trong buổi Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 22-CT-TƯ ngày 5/6/2008 của Ban bí thư trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, diễn ra vào sáng 23/11/2010, do Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.