(HNMO) - Thông cáo báo chí về một số kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội từ ngày 15-6 đến 23-6 đã nêu một số nội dung kiểm tra, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, cử tri đã phản ánh các vấn đề: Quy hoạch khu vực chứa nước đệm quanh các dự án khu đô thị trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm; xem xét, sớm phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); thanh tra việc sản xuất và cung cấp nước của doanh nghiệp nước sạch trên địa bàn huyện Quốc Oai; lắp đèn tín hiệu giao thông tại vòng xuyến chân cầu vượt xã Kim Chung (giao cắt giữa đường Hoàng Sa và đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh); đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì)... Về các nội dung này, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra, giải quyết, trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri theo đúng thẩm quyền.
Đáng chú ý, về việc cử tri các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai và hai huyện: Đan Phượng, Sóc Sơn tiếp tục đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh việc lập quy hoạch vùng bãi sông Hồng để các hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở, UBND thành phố cho biết, hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang rà soát các nội dung không thống nhất giữa Quy hoạch chung xây Thủ đô và quy hoạch phòng, chống lũ. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổng hợp nội dung vướng mắc trong báo cáo xin ý kiến rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, báo cáo UBND thành phố, đề xuất xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được duyệt, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn. Ngày 29-4-2020, UBND thành phố đã có Công văn số 1592/UBND-ĐT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc cấp phép xây dựng có thời hạn trong thời gian chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông Hồng đoạn qua Hà Nội.
Về kiến nghị của cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) ngoài phạm vi vùng ảnh hưởng 1.000m dọc các tuyến đường có xe rác của khu xử lý chất thải Nam Sơn chạy qua, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn thành phố định kỳ khám sức khỏe cho người dân 3 xã nêu trên 6 tháng/lần và đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên tại Phòng khám Đa khoa Hồng Kỳ. UBND thành phố cũng giao Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức phun thuốc diệt ruồi, muỗi nhằm phòng, chống dịch bệnh đối với 3 xã chịu ảnh hưởng môi trường của khu xử lý chất thải Nam Sơn.
Về đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn các xã Vân Hà, Xuân Đình của cử tri huyện Phúc Thọ, thời gian tới, UBND thành phố giao Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng, Công an huyện Phúc Thọ tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, chủ động trao đổi thông tin hai chiều với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình địa bàn, hoạt động của các đối tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản; xây dựng các phương án bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, phát hiện đối tượng để xây dựng phương án đấu tranh, kiểm tra xử lý triệt để các vi phạm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động trái phép để lập hồ sơ xử lý…
UBND thành phố cho biết, qua 6 tháng năm 2020, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra bắt giữ 77 vụ với 81 đối tượng khai thác cát trái phép, tạm giữ 82 phương tiện các loại, xử phạt vi phạm hành chính 56 vụ với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Mới đây (ngày 26-5), Công an thành phố đã kiểm tra, phát hiện 13 tàu đang khai thác, chở cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, tạm giữ 13 tàu cùng 33 đối tượng liên quan để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tại huyện Phúc Thọ, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị thuộc Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 22 vụ, 27 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 22 vụ với số tiền gần 1,4 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện khai thác cát trái phép…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.