Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp viêm não Nhật Bản

T.Hương| 19/06/2015 18:20

(HNMO) – Ngày  14/6, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh hay gặp vào các tháng mùa hè, đặc biệt ở những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.


Chính vì thế, Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản bảo đảm an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định.

(ảnh minh họa, nguồn: Vnexpress)


Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu hướng dẫn chuyên về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh; tăng cường khám, phát hiện sớm viêm não Nhật Bản tại đơn vị; thông báo ngay thông tin về ca bệnh cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố hoặc Trung tâm y tế trên địa bàn để kịp thời xử lý; đồng thời đáp ứng đầu đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, điều trị kịp thời cho người bệnh mắc viêm não Nhật Bản, hạn chế thấp nhất tử vong…

Bệnh viêm não virus là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Bệnh viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo, trong đó có virus viêm não Nhật Bản (VNNB), vi rút herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác...

Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào thời gian này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy vậy, bệnh VNNB chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có bệnh VNNB,  cơ quan y tế khuyến cáo:

1. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

4. Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

5. Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp viêm não Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.