Không chỉ tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô còn tổ chức các mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người, tích cực thăm hỏi, tư vấn, kết nối nạn nhân với các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Sáng 28-7, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đánh giá hoạt động mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương khẳng định ý nghĩa quan trọng của mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn Thủ đô.
Bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã chủ động tổ chức các cuộc tập huấn, truyền thông năng lực cho thành viên các mô hình, cán bộ, hội viên phụ nữ về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương.
Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 130 thành phố (nay là Ban Chỉ đạo 138), Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình Câu lạc bộ Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đến nay, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đang quản lý và duy trì hoạt động của 16 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người. Đây là các địa chỉ tin cậy hỗ trợ, trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân khi họ trở về địa phương sớm ổn định tinh thần và đời sống, hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức hơn 5.200 cuộc tuyên truyền cho hơn 781.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, phát hành 36.900 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền kiến thức, pháp luật có liên quan và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức (trực tuyến, thi viết, thi sân khấu hóa…), thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Các câu lạc bộ phòng, chống mua bán người trên địa bàn Thủ đô đã hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người, kinh nghiệm triển khai hỗ trợ nạn nhân mua bán người sau khi họ trở về. Đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuất phương thức quản lý vận hành của câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.