(HNM - Những ngày qua liên tục xuất hiện nhiều trận mưa lớn khiến mực nước các sông tại Hà Nội lên nhanh. Đây chính là khoảng thời gian được coi là cao điểm của mùa mưa bão hằng năm.
Để hiểu thêm về công tác phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi, sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra, Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội.
Mực nước cao nhưng còn dưới báo động 1
- Tuần vừa qua chúng tôi được biết, ông và lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan chức năng liên tục có các cuộc kiểm tra hệ thống đê điều của Hà Nội, đặc biệt là các vị trí xung yếu, trọng điểm?
- Vâng, trước khi gặp nhà báo, từ sáng tới giờ chúng tôi đã đi kiểm tra hơn 100km các tuyến đê hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống.
- Toàn bộ chiều dài hệ thống đê của Hà Nội là bao nhiêu, thưa ông?
- Khoảng gần 500km.
- Vào những giai đoạn cao điểm như thế này liệu ông cùng anh em trong Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội có phải ăn ngoài đê… ngủ ngoài đê không?
- Cũng chưa đến nỗi như vậy! Mực nước sông hiện còn dưới mức báo động 1 khoảng 3-4m, chứ chạm mức báo động 1 thì chúng tôi làm gì có thời gian mà ăn với… ngủ. Còn mực nước mà chạm mức báo động 2 thì không riêng chúng tôi mà lãnh đạo thành phố cũng phải có mặt tại các tuyến đê 24/24 giờ.
- Ông có thể nói cụ thể hơn, hiện giờ mực nước ở các sông là bao nhiêu?
- Vâng sáng nay là khoảng trên dưới 5,5m, trong khi mức báo động 1 là 9,5m.
- Thế mà người ta bảo nước sông đang lên cao?
- Đúng là mực nước sông hiện nay có cao hơn thời điểm này của các năm trước nhưng vẫn còn dưới mức báo động 1 khá nhiều. Cao điểm nhất là những ngày đầu tháng 8, các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ, có ngày hồ Sơn La đã mở 2 cửa, hồ Hòa Bình mở 3 cửa, hồ Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy (tổng cộng là 8 cửa xả) khiến nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội đạt đỉnh 8,5m, dưới báo động 1 một mét.
- Không phải là người trong nghề như ông nên nói thật, tôi cũng như nhiều người, cứ thấy có mưa nhiều là ngại. Chả thế người ta “chế” lời hát thế này: “Hà… lội mùa này phố cũng như sông”. Trong nội thành việc úng ngập còn như “đến hẹn lại lên” nên càng thấy lo cho chuyện đê điều.
- Kinh nghiệm làm nghề tôi thấy, mưa nhiều thì nỗi lo hàng đầu là việc úng ngập trong khu vực nội thành dù năm nay hệ thống thoát nước của Hà Nội đạt mức tiêu thoát 3,7 triệu mét khối mỗi giờ, tăng 1,2 lần so với năm 2011. Mưa nhiều nữa thì khu vực sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành dễ bị úng ngập, lại khổ bà con nông dân. Trong khi đó, hằng ngày chúng tôi phải tổng hợp tình hình báo cáo thành phố, vất vả và mất nhiều thời gian cho việc này có khi còn hơn cả chuyện kiểm tra, hộ đê.
Hệ thống đê điều của Hà Nội đã được quan tâm đầu tư…
- Có lẽ chúng ta không nên đi sâu vào câu chuyện của bên thoát nước. Xin được hỏi nhỏ, làm công việc này ông thấy như thế nào? Khi người phụ nữ chuẩn bị sinh nở thì cánh đàn ông được ví căng thẳng như… “hộ đê”. Thế nên tôi nghĩ công việc của ông và các đồng nghiệp khá vất vả?
- Tôi lại cho rằng mỗi công việc đều có những nỗi vất vả riêng, không có công việc nào là đơn giản. Từ năm 2005 tôi được giao cương vị Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão, khi ấy tỉnh Hà Tây chỉ có khoảng 300km đê. Khi tôi vừa quen việc, quen người, quen địa bàn thì Hà Tây hợp nhất với Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội và tôi lại phải mất một khoảng thời gian để thích nghi với công việc được giao.
- Và chắc chắn là vất vả hơn, phức tạp hơn vì bây giờ như ông cung cấp là Hà Nội có tới gần 500km các tuyến đê?
- Tôi nghĩ sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, không riêng chúng tôi mà ở tất cả các vị trí công tác, công việc không đơn giản là phép cộng theo kiểu “một cộng một bằng hai”. Nội dung công việc, tính chất công việc phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi người đều phải có sự cố gắng. Ngay cả khi quen việc thì tính chất phức tạp cũng không hề giảm đi, thêm vào đó là những vấn đề mới phát sinh, cần phải xử lý… Và có những lúc mình cũng thấy mệt mỏi.
- Ông nhận xét như thế nào về hệ thống đê điều của Hà Nội hiện nay?
- Có thể nói nổi bật nhất là sự quan tâm đầu tư của trung ương và thành phố đối với hệ thống đê điều của Hà Nội.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này? Trên thực tế thì ai cũng hiểu tầm quan trọng của hệ thống đê điều đối với đời sống, các cụ xưa chả đã dạy “nhất thủy nhì hỏa”.
Tôi lấy ví dụ thế này, trước đây ở Hà Tây, theo như tôi biết, kinh phí hằng năm dành cho việc duy tu hệ thống đê điều là khoảng 1 tỷ đồng. Còn hiện tại thì con số đó của hằng năm là khoảng 150 tỷ đồng. Kinh phí dành cho việc xây dựng cơ bản cũng từ 100 đến 200 tỷ đồng. Kinh phí từ Bộ NN&PTNT rót về từ 10 đến 20 tỷ đồng. Và hằng năm Chính phủ cũng hỗ trợ kinh phí từ nguồn trái phiếu cho công tác đê điều của Hà Nội từ khoảng 100 đến 300 tỷ đồng…
-
… Nhưng vẫn còn không ít việc phải làm
- Tôi thực sự bất ngờ vì không nghĩ kinh phí dành cho đê điều lớn đến vậy. Trong thời buổi khó khăn hiện nay không phải ngành nào cũng được quan tâm đầu tư như thế. Theo đánh giá của ông, với mức độ đầu tư này, hệ thống đê điều của Hà Nội đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra?
- Có rất nhiều yêu cầu đặt ra đối với hệ thống đê điều như phát triển giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa bàn, nâng cao đời sống dân sinh… nhưng quan trọng nhất là yêu cầu chống lũ. Về nhiệm vụ này thì theo tôi hệ thống đê điều của Hà Nội đã đáp ứng được, có nghĩa là đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế. Cụ thể, ở Hà Nội, mực nước thiết kế là trên 13m.
- Nhưng như ông nói, còn với một số yêu cầu khác thì hệ thống đê điều của chúng ta chưa đáp ứng được?
- Vâng! Ví dụ như hiện nay có đề án nâng cấp, mở rộng, kết hợp xây dựng đường giao thông cho hệ thống đê sông Hồng từ Sơn Tây đến hết địa phận huyện Phú Xuyên (thuộc địa bàn Hà Nội), dài hơn 60km. Đề án này hết khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu đề án này hoàn thành thì rõ ràng những khu vực dân sinh phía trong đê không còn heo hút, giao thông đi trước một bước thì chắc chắn đời sống của người dân sẽ được cải thiện… Nhưng để thực hiện đề án đó cần tới một số tiền rất lớn. Dù rằng, theo tôi, kinh phí nâng cấp, mở rộng, xây dựng đường giao thông trên đê còn rẻ hơn nhiều so với làm đường trong nội thành khi có những đoạn dài vài trăm mét đã mất tới hàng tỷ đô la cho việc giải phóng mặt bằng… Tương tự như vậy, việc gia cố, kè các con sông, chống sạt lở cũng rất quan trọng, nhưng thực hiện điều đó mất hàng nghìn tỷ đồng chứ có ít đâu, trong khi còn rất nhiều việc cần kinh phí đầu tư…
- Vâng, nhưng việc gì quan trọng thì dù tốn kém chúng ta cũng phải thực hiện.
- Trên nguyên tắc là như vậy nhưng trong thực tế không hề đơn giản. Ví dụ, chúng tôi khảo sát bằng rađa để gia cố cơ đê, khắc phục bằng kỹ thuật những đoạn xung yếu, giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn. Cũng bằng những biện pháp kỹ thuật khác, chúng tôi có thể phát hiện những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, nhưng để thuyết phục các cấp, các ngành cấp kinh phí thực hiện rất khó bởi có những vấn đề là chưa xảy ra, là không phải cái nhìn thấy… Rồi lại có những việc quá tầm. Ví dụ có những khu vực sạt lở như kè Thanh Am - Đình Quang (hữu Đuống) mặt cắt dòng chảy chỉ còn một nửa trong khi lưu lượng nước không thay đổi dẫn đến xoáy sâu hàng chục mét, muốn xử lý tận gốc thì phải “di chuyển”… cầu Đuống đi nơi khác…
- Như vậy vẫn là cái khó bó cái khôn, buộc chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”, việc gì cần trước thì làm trước và có những việc phải triển khai trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã nghèo lại càng nghèo hơn vì sự làm ăn thiếu tính toán, hôm nay làm, ngày mai có khi lại phải dỡ ra vì không phù hợp, cái làm sau không ăn nhập với cái làm trước… Tóm lại rất cần có quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược để những dự án chi tiết, trong từng giai đoạn có một định hướng chung. Với hệ thống đê điều, vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi cũng đã tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch chống lũ của Hà Nội, còn quy hoạch đê điều chúng tôi cũng đã làm xong đề cương, dự toán. Nếu 2 quy hoạch này được phê duyệt và thực hiện thì mọi việc đều rất rõ ràng, từ vị trí, quy mô, kết cấu… của hệ thống đê điều để phục vụ công tác chống lũ tới việc kết hợp với xây dựng đường giao thông, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn có đê điều…
Phải rõ ràng trách nhiệm
- Như tôi được biết, hiện nay hệ thống đê điều của Hà Nội còn 4 trọng điểm cùng 12 vị trí xung yếu. Tình hình như vậy có là nghiêm trọng không, thưa ông?
- Chúng tôi phải cảnh báo các vị trí xung yếu để có cơ sở có sự quan tâm đúng mức, sẵn sàng lực lượng, phương án, nguồn vật tư… khi có tình huống xảy ra. Còn 4 trọng điểm của năm nay như vậy là đã giảm được một nửa so với năm 2011, cụ thể là trạm bơm Yên Sở (phục vụ việc tiêu thoát nước phải bơm xả qua đê); cống Liên Mạc (được xây từ thời Pháp); kè Thanh Am - Đình Quang (như đã nêu ở trên) và cống, kè Xuân Canh (tả Đuống). Chúng tôi đã xây dựng và diễn tập các phương án giả định. Việc khắc phục tại những trọng điểm này vì nhiều lý do không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà như tôi đã đưa ra một số ví dụ cụ thể.
- Có một số ý kiến cho rằng hệ thống đê điều của Hà Nội chưa được thử thách nhiều nên khó đánh giá chính xác chất lượng. Nói cách khác là vẫn có thể tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn.
- Chúng tôi hiểu rất rõ điều đó. Theo như tôi biết, các tuyến đê chống lũ thường xuyên của Hà Nội như tả - hữu Hồng, tả - hữu Đuống, hữu Đà, hữu Cầu… 5 năm trở lại đây, mực nước đều dưới báo động 1. Những tuyến khác như đê sông Đáy đã 41 năm (từ năm 1971) chưa có lũ để thử thách. Điều đó khiến chúng tôi càng không thể chủ quan trong việc kiểm tra, duy tu, gia cố bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão. Đó là trách nhiệm của những người làm nghề như tôi. Và tôi xin khẳng định thêm lần nữa, hệ thống đê điều của Hà Nội đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế.
- Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông phải thừa nhận, đó là tình trạng vi phạm Luật Đê điều hiện nay đang diễn ra phổ biến với các hình thức như lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, xây dựng trái phép trong chỉ giới thoát lũ… Trách nhiệm của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội trong vấn đề này như thế nào?
- Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 2008 đến hết quý I năm 2012, trên địa bàn Hà Nội để xảy ra tổng số 1.616 vụ vi phạm, đã xử lý được 741 vụ (đạt 45,85%), còn tồn đọng 875 vụ. Và cần nói rõ rằng, với các vụ việc vi phạm, trách nhiệm của chúng tôi là phát hiện vụ việc, lập hồ sơ báo cáo các cơ quan liên quan. Việc xử lý là trách nhiệm của chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng, công an… Riêng chúng tôi không được giao nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tôi đã trang bị máy ảnh cho các hạt quản lý, khi anh em phát hiện vi phạm thì phải chụp ảnh ngay từ khi vi phạm mới xảy ra (ví dụ như thực hiện đào móng các công trình xây dựng), có như thế mới nêu cao được trách nhiệm trong quản lý, chứ không thể để xây tới 2-3 tầng mới phát hiện ra mà chụp ảnh. Tiếp đó là lập biên bản, ra quyết định tạm thời đình chỉ và chính quyền cơ sở phải xác nhận vào đó. Tiếp đó, chúng tôi sẽ có biên bản cụ thể về những lần đôn đốc cơ sở xử lý vi phạm. Tóm lại là hồ sơ của chúng tôi lập rất chặt chẽ, còn trách nhiệm trong việc xử lý không thuộc về chúng tôi.
- Còn với việc khai thác cát trái phép trên sông?
- Đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát đường thủy, còn việc cấp phép, giám sát thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường. Cũng cần phải nói thêm, hiện nay chúng tôi đang kết hợp giữa Luật Đê điều và Nghị định 129/2007/NĐ-CP của Chính phủ để tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng đối với từng hành vi vi phạm pháp luật.
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi và chúc cho 2 quy hoạch lớn về hệ thống đê điều của Thủ đô nhanh chóng được triển khai thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.