Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Vân An| 21/11/2012 16:45

(HNMO) - Chiều 21/11, trả lời phỏng vấn báo giới sau khi Luật Thủ đô được thông qua, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ, đây là tin vui với nhân dân Thủ đô...


Xin ông cho biết cảm xúc của ông khi Luật Thủ đô được thông qua?

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội với yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Tôi chắc đây là tin vui với những ai quan tâm, yêu quý Hà Nội và với tất cả công dân Thủ đô.

Ông có lo lắng, lường trước những vấn đề mà Thủ đô sẽ phải đối mặt khi Luật Thủ đô được ban hành không, thưa ông?

Trước khi có Luật Thủ đô, công việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải giải quyết hàng ngày vốn dĩ cũng đã hết sức to lớn, khó khăn. Sau khi có Luật Thủ đô, cũng có những thuận lợi mới, vì đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những trách nhiệm mới. Tôi cho rằng những mong muốn mà lâu nay mọi người yêu cầu Thủ đô giờ có lẽ còn lớn hơn nữa, nên Luật ra đời mang lại những thuận lợi tốt hơn nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng hơn cho Thủ đô.

Ông có thể cho biết, công việc nào sẽ được coi là khâu đột phá để từ Luật này, Thủ đô có thể làm được những việc mà cả nước mong đợi?

Khâu đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù mà Hà Nội sẽ lựa chọn là lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Dường như ở đâu chúng ta cũng thấy tình trạng vi phạm trật tự, kỷ cương xã hội, từ lĩnh vực xây dựng đến an ninh trật tự, lối sống, nếp sống…, vẫn có nhiều người chưa có ý thức đầy đủ, xứng đáng là công dân Thủ đô.

Nhưng thưa ông, những lĩnh vực này khi chưa có Luật, Hà Nội vẫn có thể làm được, làm tốt. Việc Hà Nội được nâng mức phạt lên không quá 2 lần trong một số lĩnh vực cũng chỉ là một yếu tố rất nhỏ, Hà Nội có biện pháp nào dài hơi hơn không, thưa ông?

Có những cái có Luật thì sẽ tốt hơn. Ví dụ như giờ Luật cho phép nâng mức xử phạt vi phạm lên cao hơn thì tính răn đe cũng sẽ tốt hơn. Tất nhiên đây chỉ là yếu tố nhỏ. Còn nếu nói tầm dài hơi hơn thì phải nâng cao ý thức mỗi người. Giờ đi ra đường thấy rất nhiều người chấp hành giao thông không tốt thì cái đó không phải chủ yếu do cơ sở hạ tầng hay do phương tiện, mà do nhận thức, cái này phải tuyên truyền, giáo dục, nhưng đi liền với biện pháp này thì phải tăng cường cả chế tài xử lý. 


Ông hình dung diện mạo Thủ đô sẽ thay đổi như thế nào sau khi có Luật Thủ đô và sẽ mất bao lâu để Hà Nội xứng đáng hơn với vị trí của mình?


Tôi nghĩ Luật Thủ đô không phải là đem lại cho Hà Nội một đôi đũa thần, vung lên cái là ngày mai “vừng ơi, mở cửa ra”, mà nó phải là một quá trình. Bản thân Luật này cũng mất hơn 3 năm mới được Quốc hội thông qua thì việc chuyển biến trong thực tế cũng cần có thời gian.

Tôi lấy ví dụ về quy định hạn chế nhập cư, dựa vào số liệu sau khi Hà Nội mở rộng và hợp nhất, với phương án đã được chấp thuận, mỗi năm Hà Nội sẽ giảm được ít nhất vài trăm nghìn người nhập cư so với khi chưa có luật, như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm bớt khoảng 1 triệu người nhập cư, con số nàycũng là lớn lắm chứ. Việc lo cho 1 triệu người có nơi ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, được đảm bảo an ninh trật tự… là vấn đề không hề nhỏ.

Qua kết quả biểu quyết thông qua Luật, có thể thấy một số đại biểu vẫn chưa thật sự yên tâm lắm với quy định về siết chặt nhập cư, ông chia sẻ gì với tâm tư của các đại biểu này?

Tôi nghĩ rằng tâm tư của một số đại biểu Quốc hội này trong chừng nào đó cũng phản ánh tình cảm và mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân khác. Ở một khía cạnh nào đó, những người mong muốn sự dễ dàng về điều kiện nhập cư vào Hà Nội cũng đều là những người yêu quý Thủ đô và cũng đều là những người muốn chung tay góp sức xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, xét dưới góc độ quản lý đô thị, chúng ta phải tìm ra được lời giải tốt nhất và trong cái tốt nhất đó, có thể có điểm chưa phù hợp với mong muốn của một số người. Nhưng chúng ta phải vì cái chung.

Trước đây, Hà Nội đã có nhiều cơ chế đặc thù về siết chặt nhập cư cũng như xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cao hơn so với các tỉnh khác, nhưng các biện pháp này vẫn chưa hiệu quả. Hà Nội có hướng khắc phục hạn chế này như thế nào, thưa ông?


Những quy định của Luật Thủ đô về nhập cư và xử phạt vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực cũng là từng bước thôi. Để triệt để, chúng ta cần những giải pháp vừa đồng bộ và cũng phải có tầm mức mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng nếu chúng ta làm đột ngột, đang từ trạng thái rất thoải mái sang trạng thái mạnh mẽ ngay thì lại không đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Cho nên chúng ta phải chấp nhận tiến từ từ.

Ông nghĩ thế nào khi có những lo ngại rằng chính sách nhập cư mới có thể làm nảy sinh tiêu cực, khó quản lý?

Nếu chúng ta làm không tốt thì bất cứ một chính sách nào cũng đều có thể bị lợi dụng. Kể cả trước đây ở thời bao cấp, khi mọi người còn sống dựa vào hộ khẩu, tem phiếu…, việc nhập cư cực khó thì cũng có thể vẫn có tiêu cực. Cho nên, tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, tinh thần trách nhiệm thực thi chính sách, chứ không phải phụ thuộc vào việc quy định như thế nào.

Luật Thủ đô giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được phép quy định diện tích nhà ở tối thiểu với những người muốn nhập cư vào nội đô. Hà Nội đã có phương án dự trù gì về việc này chưa, thưa ông?

Cái này phải qua tiến hành điều tra xã hội để xem diện tích nhà ở bình quân theo đầu người hiện tại của Hà Nội là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, những người muốn nhập cư vào Hà Nội ít nhất phải đáp ứng được mức trung bình tối thiểu này. Không nên như vừa rồi, có những hộ gia đình nhà chỉ có diện tích 20m2 nhưng đứng ra xác nhận cho 30-40 người ở, đây là một việc làm đối phó với quy định. Như nhiều lần tôi đã nói, việc có những quy định chặt chẽ về nhập cư chính là để đảm bảo cuộc sống của những người sau khi nhập cư phải được hưởng những điều kiện sống trung bình tối thiểu, chứ không phải chấp nhận cho họ nhập cư xong rồi bỏ mặc họ tự bươn chải, muốn ở đâu cũng được, có nơi học hay không có cũng không sao…

Ngoài các giải pháp hạn chế nhập cư như trong Luật, các đại biểu cũng quan tâm đến những giải pháp đồng bộ hơn về giãn dân, di dời trụ sở các bộ, ngành… Hà Nội có dự tính gì để các chính sách quản lý đô thị của Hà Nội sẽ đồng bộ hơn sau khi có Luật, thưa ông?


Nếu nói về lâu dài, đồng bộ thì quy hoạch chung của Hà Nội đã dự tính xây dựng 5 khu đô thị vệ tinh, cái đó mới là vấn đề lớn và lâu dài. Nhưng đúng là để giải quyết cấp bách, trước mắt, Hà Nội phải di dời một số trụ sở các bộ, ngành và các nhà máy, xí nghiệp trong nội thành cũ. Cái này cũng phải làm từng bước. Chúng ta không có đủ kinh phí, ngân sách để làm xong trong vòng một vài năm. Còn với các nhà cao tầng trong nội đô, Hà Nội kiên quyết không cho xây cao. Trên thực tế, Hà Nội đã cấm các công trình trong nội thành cũ không được xây cao quá 9 tầng. Trước kia, gần như khả năng nhà đầu tư làm được bao nhiêu là cho xây cao bấy nhiêu, nhưng 2 năm nay Hà Nội đã không chế, những công trình xây quá chiều cao quy định đều đang bị xử lý.

Ông có thể cho biết cam kết của Hà Nội với người dân cả nước khi có Luật này?


Cam kết lớn nhất là Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để làm sao động viên được tất cả mọi người, ở Hà Nội cũng như ở các nơi khác, ngoài tình cảm với Thủ đô, đều có thể góp sức, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.