(HNMO) – Ngày 22-2, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm, đền Phù Đổng, đình Tây Đằng, đền Hai Bà Trưng, đền Hát Môn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích trên địa bàn TP Hà Nội, tối 22/2. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Đến dự lễ đón nhận, về phía Trung ương có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn THị Hòa… Về phía lãnh đạo TP Hà Nội, tới dự có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Ngô Thi Doãn Thanh; Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Phí Quốc Tuấn… Tới dự lễ đón nhận còn có đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành TP Hà Nội, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Hà Nội, các nhà khoa học và đông đảo nhân dân Thủ đô.
Ngày 9-12-2013, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt cho TP Hà Nội, đó là: di tích lịch sử và thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quân Hoàn Kiếm), di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đồng (huyện Gia Lâm), di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), di tích nghệ thuật đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), di tích lịch sử đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ).
Tại Lễ đón nhận, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội đã có bài phát biểu, tóm tắt những giá trị văn hóa, lịch sử của 5 di tích quốc gia Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, 5 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, đó là sự ghi nhận vinh danh những giá trị to lớn của các di tích, đồng thời đây cũng là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Tp Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Thăng Long, Hà Nội là nơi hội tu, kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, là nơi tỏa sáng những giá trị tốt đẹp, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa của bầu bạn bốn phương của đất nước ta. Nơi đây cũng là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, rất đậm đặc các thần thoại, truyền thuyết, đền đài, miếu mạo đa dạng và phong phú cả về di tích vật thể và phi vật thể, phản ánh sâu sắc quá trình xây nước và dựng nước của dân tộc ta. Các truyền thuyết về đức Thánh Tản, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống hầu như có mặt ở khắp nơi trên đất Thăng Long – Hà Nội. Chính kho tàng di sản văn hóa đó đã tạo nên một động lực quan trong, một sức sống mãnh liệt để Thăng Long, Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử trở thành một điểm tựa vững chắc về trí tuệ, ý trí, nghị lực và niềm tự hào của Hà Nội và của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với quan điểm bảo tồn di sản cho muôn đời, TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo dành nguồn kinh phí để tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư gần 1000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa của thành phố để cải tạo, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho 645 di tích. TP Hà Nội cam kết tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, di sản trên địa bàn TP Hà Nội trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt được Chính phủ công nhận. Đồng thời, để di tích, di sản của TP Hà Nội trường tồn với thời gian, TP Hà Nội rất mong nhận được sự hợp tác hơn nữa của các cấp, ngành, nhân dân thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.
Sau phần đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt cho 5 di tích nói trên là chương chương trình nghệ thuật “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. Chương trình nghệ thuật đậm chất sử thi đã tái hiện nhiều hoạt cảnh về lịch sử, truyền thuyết của 5 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng như hoạt cảnh Tản viên Sơn Thánh, tiết mục rùa thần trả gươm báu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.