Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội dịu “khát” nhờ trận mưa hiếm có

Đức Hải| 22/01/2010 19:06

(HNMO)- Sau nhiều tháng hanh khô, cùng với cả miền Bắc, Hà Nội đứng trước nguy cơ đại hạn. Vì thế, trận mưa kéo dài trong 2 ngày qua (từ đêm 20-1) được coi là trận mưa “cho của” giúp Hà Nội bớt khô hạn, càng quý giá khi thời điểm sản xuất vụ xuân đang tới gần.

Hồ hởi đón mưa

Với bất kỳ ai sinh sống trên địa bàn Hà Nội cũng dễ dàng nhận thấy thành phố như “thay da, đổi thịt” từ trận mưa này. Bởi lẽ, với tốc độ xây dựng hối hả, cộng thêm nhiều ngày hanh khô, chẳng riêng gì nội thành, mà ngay cả ngoại thành thì nhà cửa, cây cối, đường sá như đã bị phủ mờ bụi bặm, thế mà nay được gội rửa sạch trơn, sáng bừng. Vì thế, ngày này gặp ai cũng thấy hồ hởi, phấn chấn cho dù mưa gió cũng có phần gây trở ngại, khó khăn khi có việc phải ra khỏi nhà.

Các vùng chuyên canh rau ngoại thành Hà Nội đã bớt “khát” từ cơn mưa hiếm hoi này


Có lẽ, vui nhất, mừng nhất khi đón nhận trận mưa này vẫn là bà con nông dân ngoại thành, bởi đồng đất đã bớt nứt nẻ vì hạn hán khi mà lịch đổ ải gieo cấy lúa xuân đã đến. Theo Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), vụ xuân năm nay, diện tích gieo cấy lúa của toàn thành phố là 99.800 ha. Hiện nay, hầu hết các địa phương đang tập trung vào gieo mạ xuân (lịch gieo từ 20-1 đến 5-2), với diện tích khoảng 6.000 ha, chiếm 90% tổng diện tích gieo mạ vụ xuân. Bởi vậy, trận mưa này thật là kịp thời, bổ sung lượng nước đáng kể để làm đất gieo mạ, tránh lãng phí nước đang tích trữ tại các ao, hồ, mương máng phục vụ đổ ải trong những ngày tới.

Còn với những người chuyên trồng rau thì quả thực đây là trận mưa “cho của”. Anh Nguyễn Văn Thanh ở Tân Minh (Thường Tín) cho biết: Đồng đất quê anh chuyên trồng rau la ghim, nhà trồng ít thì vài ba thước, nhà trồng nhiều cũng lên đến cả sào. Mấy tháng trước do không có mưa nên thiếu nước tưới trầm trọng. Vì thế, các gia đình mất rất nhiều thời gian và công sức trong việc chăm sóc, tưới dưỡng cho rau. “Thật là may! đúng lúc gia đình tôi vừa gieo thêm 1 lứa rau sống để kịp bán vào dịp Tết thì trời đổ mưa, nên đỡ được rất nhiều công sức gánh nước tưới”- anh Thanh bộc bạch. Theo bác Nguyễn Đình Dân ở thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), đối với khu vực chuyên trồng rau ở Chúc Sơn, mặc dù không lo thiếu nước tưới vì đã có nước giếng khoan, nhưng trận mưa này cũng góp phần giảm chi phí tiền điện bơm nước và công tưới, hơn thế nước mưa vẫn đảm bảo sạch hơn.

Không chỉ người trồng rau vui, mà những người buôn bán rau cũng khấp khởi mừng thầm vì được “tát nước theo mưa”. Dạo qua một số chợ trong nội thành cho thấy, giá cả một số loại rau ngày hôm nay tăng mạnh so với mấy hôm trước (khoảng 30-50%). Cụ thể: bắp cải từ 3,5 nghìn đồng tăng lên 5 nghìn đồng/kg; su hào 2,5 nghìn đồng tăng lên 3,5 nghìn đồng củ; khoai tây tăng thêm 2 nghìn đồng thành 8 nghìn đồng/kg; dưa cải bẹ tăng từ 3 nghìn lên 5 nghìn đồng/kg; rau muống 2 nghìn đồng lên 3,5 nghìn đồng/mớ; rau cần từ 2,5 nghìn đồng tăng lên 4 nghìn đồng/mớ…

Tận dụng tối đa nguồn “nước trời”

Ông Đào Quang Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, lượng mưa trung bình trên địa bàn Hà Nội tính đến ngày 22-1 khoảng 30 mm, nơi cao nhất là 66 mm. Theo dự báo, mưa còn kéo dài đến hết ngày 23-1. Thực hiện phương châm giãn thời gian đổ ải đại trà, tránh tập trung một thời điểm để giảm áp lực nguồn nước khi các hồ thủy điện xả nước đợt 1, vì thế tranh thủ nguồn “nước trời” đã ngấm đất, cũng như lợi dụng thuỷ triều lên, các công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố đã tập trung bơm nước đổ ải vào các khu vực khó khăn, xa nguồn, trữ nước vào các kênh tiêu, ao, hồ. Tính đến ngày 22-1, gần 20.000 ha đất canh tác tại các huyện: Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức đã có nước đổ ải.

Nông dân ngoại thành tập trung “nước trời” gieo mạ vụ xuân


Theo ông Khải, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong ngày hôm nay rất thấp, khoảng 0,57 m. Dự kiến, trong vài ngày tới mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ lên nhanh do có mưa trên diện rộng ở miền Bắc và các hồ thủy điện bắt đầu xả nước (ngày 24-1) để phục vụ gieo cấy vụ xuân. Do đó, tính đến chiều nay 22-1, trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt 70 trạm bơm dã chiến, với tổng số 195 máy có công suất 1.000m3/h/máy; nạo vét gần 2,43 triệu m3 bùn, đất; đắp xong 17 đập tạm; hoàn tất việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dự trữ vật tư phòng sự cố cho gần 700 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp, sẵn sàng hoạt động hết công suất khi các hồ thủy điện xả nước đợt 1. Trên cơ sở đó, có thể khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Dần, tổng diện tích 99.800 ha gieo cấy lúa vụ xuân của Hà Nội được đảm bảo có nước đổ ải.

Theo Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội, các địa phương cần tiếp tục chủ động lấy nước dự trữ vào các hệ thống sông, ngòi, ao, hồ, đầm, kênh tiêu và chân ruộng trũng để giảm áp lực, cũng như chủ động nguồn nước tưới khi bước vào thời vụ. Mặt khác, các địa phương cũng cần tiết kiệm và sử dụng nước có hiệu, không nên chủ quan, trông chờ vào trận mưa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội dịu “khát” nhờ trận mưa hiếm có

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.