(HNM) - Ngày 11-4, UBND TP Hà Nội đã họp với các sở, ngành có liên quan lấy ý kiến đóng góp
Theo báo cáo, hiện mới chỉ có 84% dân số nông thôn Hà Nội đang được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 32% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thế nhưng nghịch lý là hiện có hàng chục công trình xây dựng nước sạch tại vùng nông thôn ngoại thành có giá trị tiền tỷ đang bị đắp chiếu. Điển hình, tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, trạm cấp nước tập trung công suất 1.400m3/ngày đêm cung cấp cho 10.000 người, triển khai xây dựng hơn 5 năm vẫn chưa hoàn thành.
Về thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, hiện trung bình mỗi ngày khu vực nông thôn phát sinh khoảng 1.133 tấn rác. Nhưng số xã tổ chức chuyển rác đem đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác tập trung của TP mới chiếm 40,28%, số còn lại người dân tự xử lý tại chỗ hoặc đổ ra các bãi đất trống. Việc quản lý nước thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, làng nghề... cũng đang bị bỏ ngỏ.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã giao cho ngành nông nghiệp lập quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2015, có 90% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% dân số được sử dụng nước sạch; giai đoạn từ 2016-2020 là 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 80% dân số được sử dụng nước sạch. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 12.289 tỷ đồng, trong đó hơn 9.500 tỷ đồng cho cấp nước sinh hoạt, 400 tỷ đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải...
Theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt, TP sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, mỗi huyện từ 2-3 trạm cấp nước tập trung bảo đảm đầu tư đồng bộ, công nghệ tiên tiến…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.