(HNM) - Ngày 14-6, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh và các cơ quan liên quan về công tác rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài của công dân Thủ đô.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn TP Hà Nội đang tồn tại 17 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, 13 vụ việc cá nhân khiếu nại. Trong đó, đa số các vụ việc liên quan đến vấn đề đền bù, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng, tranh chấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn có một vài đơn tố cáo những sai phạm kinh tế làm thất thoát tài sản nhà nước hoặc chủ đầu tư xây dựng không đúng thiết kế gây mất an toàn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân... Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nguyên nhân dẫn đến những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài thời gian qua là do nhiều vụ việc vượt quá thẩm quyền của TP. Có những sự vụ cả ngành CA, xây dựng, nội vụ đều có kết luận rồi nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Để giải quyết dứt điểm những tồn tại trên cần sự vào cuộc giúp đỡ của TƯ và các bộ, ban, ngành có liên quan. Theo đó, đối với những vụ việc còn tồn đọng liên quan đến các bộ, ban, ngành nào thì trình Thủ tướng giao cho bộ, ban, ngành đó chịu trách nhiệm giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp khác, Thanh tra Chính phủ cùng với UBND TP Hà Nội rà soát lại và thống nhất hướng giải quyết dứt điểm để người dân hiểu, đồng tình với kết luận thanh tra.
* Cùng ngày, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của một số công dân phường Dương Nội, quận Hà Đông liên quan đến việc thu hồi đất của một số dự án trên địa bàn phường. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND quận Hà Đông đã tổ chức thực hiện đầy đủ về trình tự thu hồi đất theo Nghị định 84 của Chính phủ. Việc các hộ dân nêu quá trình thu hồi đất, các cấp, các ngành không tổ chức cho nhân dân được họp bàn dân chủ là chưa đúng. Trước khi có phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư được phê duyệt, tổ công tác giải phóng mặt bằng đã niêm yết công khai kết quả kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất làm nhiều đợt, trong 7 ngày. Đồng thời Ban bồi thường, hỗ trợ tái định cư quận Hà Đông đã thông báo dự thảo phương án này làm nhiều đợt, trong 20 ngày tại trụ sở UBND phường Dương Nội và trụ sở hợp tác xã, đồng thời gửi phương án chi tiết đến các hộ dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, việc UBND quận không có quyết định kèm theo phương án bồi thường chi tiết gửi cho các hộ dân bị thu hồi đất mà chỉ giao cho hộ dân có yêu cầu là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về việc người dân phản ánh không nhận được thông báo cưỡng chế, tiền bồi thường, kết quả thanh tra cho thấy: Đối với các hộ không nhận tiền, không bàn giao đất, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã có thông báo chi trả tiền đến từng hộ. Luật Đất đai năm 2003 không quy định khi cơ quan Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì phải quy hoạch khu đất dân cư dự trữ để cấp đất ở. Vì vậy ý kiến các hộ dân đề nghị cấp đất dự trữ tương ứng với số đất bị thu hồi là không thực hiện được. Tuy nhiên để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và cho phép quận Hà Đông chuyển đất dịch vụ thành đất ở...
Đối với kiến nghị đòi hủy bỏ các quyết định cưỡng chế, xin lỗi dân, bồi thường thiệt hại do không gửi phương án đền bù chi tiết đến từng hộ dân, Thanh tra Chính phủ thấy rằng, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm chưa đúng quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, sai sót về thủ tục nói trên không làm thiệt hại đến quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất, vì vậy không cần thiết phải hủy bỏ các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Hà Đông. Nhưng cần xác định mức độ vi phạm của từng cá nhân có liên quan của quận Hà Đông (cụ thể là Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, Tổ công tác giải phóng mặt bằng) để có biện pháp xử lý thích hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.