Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Phong Thu| 18/06/2013 06:07

(HNM) - Đến nay, TP Hà Nội đã có một số đơn vị triển khai hiệu quả việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, tổ chức.

Sau một thời gian triển khai, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Cục Thuế Hà Nội, Sở Công thương, quận Hoàng Mai, phường Khương Mai (Thanh Xuân) đã có hồ sơ giao dịch qua mạng với tỷ lệ thành công đạt 100% trong dịch vụ đăng ký mã số thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân; đạt 50% đối với dịch vụ đăng ký văn phòng đại diện... Theo cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, đây là cách làm khoa học, thuận tiện cho cả công dân và cán bộ. Cụ thể, nếu thực hiện theo phương pháp thủ công mất 5 ngày, nay triển khai các thủ tục trên mạng chỉ mất 3 ngày.


Tuy tiện ích là vậy nhưng đến nay mới có doanh nghiệp hưởng ứng, còn lượng công dân thực hiện giao dịch qua mạng chưa nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang triển khai thực hiện hai hình thức: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận "một cửa" và trên môi trường mạng với 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Qua 6 tháng triển khai giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng, thủ tục "nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh" đã giải quyết được 626 hồ sơ; thủ tục "Trả lời về việc tổ chức họp báo" giải quyết được 3 hồ sơ; thủ tục "Thẩm định và cấp phép trang tin tổng hợp giải quyết được 1 hồ sơ. Tuy nhiên, 3 thủ tục (Cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; cấp giấy phép xuất bản bản tin; đăng ký máy photocopy màu) chưa có giao dịch nào.

Tại huyện Từ Liêm, nếu như trước đây toàn bộ các thủ tục hành chính đã được đưa vào ứng dụng dịch vụ công mức 2 và đạt kết quả tích cực thì đến khi đưa ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 kết quả lại chưa như mong muốn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng bộ phận "một cửa" huyện Từ Liêm, hiện tại, trình độ dân trí và mặt bằng chung về công nghệ thông tin (CNTT) mới chỉ phù hợp với dịch vụ công trực tuyến mức 2 (người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ rồi gửi trực tiếp hoặc gửi bằng đường bưu điện). Với dịch vụ công mức 3 (người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả tại cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ) sau một thời gian áp dụng với lĩnh vực đăng ký kinh doanh và hộ tịch chưa có nhiều người sử dụng. Nguyên nhân là vì công dân chưa quen cách tiếp cận và giao dịch trên môi trường mạng cùng với tâm lý phải nộp tận tay cơ quan chức năng mới yên tâm. Hơn nữa, hiện nay cơ sở dữ liệu số của Nhà nước vẫn chưa có, khi công dân cần hỏi thông tin, hệ thống chưa tự động trả lời cũng là điều làm họ chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mức 3.

Đến thời điểm này, một số đơn vị thực hiện dịch vụ công mức 3, 4 ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hộ tịch đã tạm ngừng hoạt động để chờ phần mềm dùng chung của thành phố. Đây là điều cần thiết, bởi nếu mỗi cơ quan tự xây dựng phần mềm áp dụng riêng cho đơn vị mình sẽ lãng phí, chưa kể sẽ gặp khó khi kết nối dữ liệu với các đơn vị trong các thủ tục liên thông. Trên thực tế, một số đơn vị ngần ngại khi đầu tư cho dịch vụ công trực tuyến mức 3 vì chưa phù hợp với trình độ dân trí trên địa bàn, ít người sử dụng dẫn đến hiệu quả thấp. Theo bà Kim Lan Hương, Trưởng phòng ứng dụng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông), việc triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến không gặp khó khăn về công nghệ và vướng mắc hiện nay là một số cơ quan hành chính nhà nước chưa nhiệt tình với việc ứng dụng công nghệ nhằm giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế nên người dân chưa có thói quen giao dịch qua mạng và cũng chưa có cơ chế khuyến khích họ giao dịch theo hình thức này.

Nhận thức rõ vai trò của CNTT trong cải cách hành chính, TP Hà Nội đã và đang đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị làm điểm gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Công ty Dịch vụ viễn thông Hà Nội đang chủ trì xây dựng đề án "Công dân điện tử" nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin hiệu quả kết nối từ cấp ủy, UBND các cấp đến cán bộ quản lý và tới công dân trên địa bàn sở tại qua tin nhắn SMS, email, website, tổng đài 1080 và hộp thư trả lời tự động, góp phần giúp người dân tiếp cận gần hơn với CNTT.

Hy vọng, với quyết tâm cao cùng cách triển khai phù hợp, TP Hà Nội sẽ từng bước ứng dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.