Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm

Xuân Lộc| 04/08/2022 08:01

(HNM) - Cùng với nhiệm vụ phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân luôn được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập, cần các giải pháp đẩy mạnh quản lý, nâng cao hiệu quả.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với quận Nam Từ Liêm kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một quán ăn trên địa bàn. Ảnh: Trang Thu

Nhiều khó khăn, bất cập

Nếu như năm 2016, thành phố Hà Nội có 59.109 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì đến năm 2022, con số này đã lên đến 70.779 và luôn biến động. Dù quản lý số lượng lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, song công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố luôn được đánh giá cao.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thời gian qua được quan tâm, tăng cường. Các quận, huyện, thị xã đã chủ động giám sát tình hình phòng, chống ngộ độc. Kết quả, trong 7 tháng của năm 2022, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù vậy, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.

Khó khăn đầu tiên theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, đó là nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, VietGHAP, GMP, HACCP, ISO 22000... Thêm vào đó, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về việc triển khai Luật An toàn thực phẩm cũng phát sinh một số bất cập. Thực tế cho thấy, do có quy định cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (hộ kinh doanh) không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên nhiều doanh nghiệp chuyển sang loại hình hộ kinh doanh hoặc thành lập thêm hộ kinh doanh để sản xuất (doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ phân phối sản phẩm). Cùng với đó, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao...

Cùng với những khó khăn nêu trên, hiện đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thiếu về số lượng và kinh nghiệm công tác. Phương tiện phục vụ cho nghiệp vụ như: Ô tô đi lại thanh, kiểm tra, ô tô cứu thương trong phòng, chống ngộ độc thực phẩm... cũng còn thiếu. Ngoài ra, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp. Đơn cử như giới hạn của chì và cadmi tại QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm chỉ có trên sản phẩm thịt tươi, không quy định giới hạn trên các sản phẩm chế biến từ thịt.

Còn tại Thông tư số 24/2013/TT-BYT ngày 14-8-2013 ban hành quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm chỉ quy định giới hạn thuốc thú y trên các sản phẩm thịt tươi không quy định giới hạn trên các sản phẩm chế biến từ thịt... gây khó khăn trong áp dụng quy định của các cơ sở thực phẩm cũng như của cơ quan quản lý khi thực hiện hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.

Hiện nay, việc kinh doanh truyền thống đã được thay thế bằng kinh doanh trực tuyến. Kéo theo đó, việc quảng cáo, bán hàng trực tuyến đang tăng nhanh trên các nền tảng số hóa, công nghệ, trong đó việc kinh doanh thực phẩm trên các website, mạng xã hội đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm còn diễn ra phổ biến và khó quản lý. Khi phát hiện ra sai phạm, lực lượng chức năng đến kiểm tra, thanh tra thì doanh nghiệp lại đóng website nên khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Tập trung nhiều giải pháp

Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, từ nay đến hết năm 2022, Hà Nội tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, cùng với việc triển khai có hiệu quả, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng tiếp tục được tăng cường trên toàn thành phố. Đặc biệt, tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm, tuyên truyền an toàn thực phẩm lồng ghép với phòng, chống dịch bệnh.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: Các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; triển khai 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 17 quận, huyện; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã, phường của 20 quận, huyện; kiểm tra giám sát nhằm nâng cao ý thức tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học ở 10 quận, huyện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.