(HNM) - Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân Thủ đô tương đối lớn, trong khi đó, các ngành chức năng mới kiểm soát được hơn 60% sản phẩm thịt giết mổ ở các cơ sở công nghiệp, bán công nghiệp; số còn lại được cung cấp bởi các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 46 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; còn lại là 696 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Hiện, mỗi ngày các ngành chức năng mới kiểm soát khoảng 650 tấn thịt gia súc, gia cầm, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư.
Thực tế, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Hơn nữa, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công hầu hết không có địa điểm cố định mà nằm rải rác trong các khu dân cư của các huyện, thị xã (trừ huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ).
Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì mới có 1 cơ sở giết mổ công nghiệp, còn lại đều là quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Không những thế, sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với chi phí giết mổ thấp dẫn tới khó kiểm soát và gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ công nghiệp...
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, do ý thức của một số hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế, không muốn vào các khu giết mổ tập trung. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm và hỗ trợ của khâu chế biến sau giết mổ, chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm đa số, thiếu cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính cho sự tồn tại của phương thức giết mổ nhỏ lẻ, thậm chí giết mổ tại hộ chăn nuôi. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa quyết liệt; thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn, từng bước kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực tìm kiếm, thu hút, giới thiệu và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Đồng thời, hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình, thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và khả năng đầu tư của doanh nghiệp.
“Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất sạch cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường vào các cơ sở giết mổ tập trung đã được thành phố quy hoạch” - ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.