Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Quỳnh Dung| 08/11/2021 07:30

(HNM) - Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong khi Hà Nội mới chủ động được một phần nông sản, thực phẩm; số còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô. Để chủ động khâu cung ứng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang chủ động đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Nông sản an toàn của các tỉnh được đưa về bán tại cửa hàng tiện ích trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên

Sẵn sàng cung ứng nông sản

Thực tế, Hà Nội tự sản xuất, cung ứng được 30-65% nhu cầu về nông sản nên mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; triển khai kết nối cung - cầu nông sản, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn cho biết, Thanh Hóa có lượng nông sản, thực phẩm lớn, đạt 1,5 triệu tấn/năm và 200-250 nghìn tấn gạo để trao đổi với các địa phương ngoại tỉnh, trong đó có Hà Nội. Thanh Hóa cũng đã có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh Hóa có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội như: Công ty Thanh Hương, Công ty Thiên Trường 36, Công ty Sao Khuê… với các sản phẩm nước mắm, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả các loại. Tuy nhiên, mỗi tháng, Thanh Hóa mới có 10-15 tấn nông sản đưa ra thị trường Hà Nội...

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, sản phẩm nông sản của Kiên Giang mới tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường Hà Nội còn khiêm tốn. Hiện tỉnh Kiên Giang có hơn 600ha ruộng được chứng nhận hữu cơ, sản phẩm đã xuất khẩu tới một số quốc gia. Kiên Giang cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương đầu tư, kết nối tiêu thụ với thị trường Hà Nội để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Đánh giá về hiệu quả của chương trình phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố với khối lượng hơn 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội sẵn sàng phối hợp kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như: MM Mega Market, Big C, Aeon Mall... đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố...

Tăng cường trao đổi thông tin

Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn và giàu tiềm năng, song để nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ với số lượng lớn và bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, các địa phương và Hà Nội cần có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các tỉnh thông qua chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung - cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin cung - cầu các bên...

Để tăng cường kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát sản phẩm đặc sản có thế mạnh vùng miền, gắn kết tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp nhu cầu thị hiếu, cân đối cung - cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đặc biệt, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các địa phương cần chỉ đạo các đầu mối cung ứng cung cấp thông tin cụ thể về số lượng hàng hóa nhằm tránh bị động. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường Hà Nội. Trong đó, chất lượng cần được coi là yếu tố quyết định việc ký kết hợp đồng và hợp tác lâu dài, mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.