(HNM) - Việc kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ quảng bá, mở rộng giao thương luôn được ngành Công Thương Hà Nội chú trọng đẩy mạnh. Hoạt động này vừa bổ sung nguồn cung hàng hóa cho thị trường Thủ đô, vừa giúp các doanh nghiệp có cơ hội kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Đưa đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng Thủ đô
Tham gia giới thiệu xoài Sơn La trong “Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với siêu thị Big C tổ chức từ ngày 30-5 đến 3-6, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đây là lần thứ hai trái xoài Yên Châu bán trực tiếp tại Hà Nội không qua thương lái. Các xã viên rất vui vì được mang những đặc sản quê hương Sơn La đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô”.
Ngoài tỉnh Sơn La, tham gia tuần hàng trái cây, nông sản còn có sản phẩm của 16 tỉnh, thành phố khác, với nhiều đặc sản vùng miền như vải Hải Dương, nho Ninh Thuận, thủy sản Quảng Ninh… Đặc biệt, qua đây, Sở Công Thương Hà Nội đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã của địa phương khác có thêm cơ hội đưa hàng hóa vào các chuỗi bán lẻ lớn để tiêu thụ tại Hà Nội. Ngay tại tuần hàng, Tập đoàn Central Retail đã ký cam kết với các địa phương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và nhiều loại nông sản trong vụ thu hoạch năm 2020 tại thị trường Hà Nội.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Hải Anh (trú tại ngõ 12 phố Mạc Thái Tông, quận Cầu Giấy) hào hứng nói: “Các hội chợ, tuần hàng trái cây, nông sản… là cơ hội để người tiêu dùng như tôi tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền nổi tiếng. Mua tại hệ thống siêu thị, nên tôi có thể yên tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm”.
Kích cầu nội địa, mở rộng xuất khẩu
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, tuần hàng trái cây chỉ là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa do Hà Nội tổ chức trong năm 2020, mở ra cơ hội giao thương, hợp tác để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu. “Chuỗi sự kiện kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản là hoạt động thường niên của thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng năm nay còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, đó là khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 18 chương trình kích cầu; từ 5 đến 8 đoàn doanh nghiệp liên kết, giao thương tại các tỉnh, thành phố… Đồng thời tổ chức khoảng 5 hội nghị, hoạt động giao thương hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương tổ chức từ 15 đến 20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội…
Đặc biệt, chương trình khuyến mãi được tập trung triển khai trong 3 tháng (tháng 7, 8 và 11-2020), với mức khuyến mãi tối đa lên tới 100%. Chương trình quy tụ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, gắn với nhiều sự kiện, như: “Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam”, các tuần hàng Việt Nam...
Để tận dụng cơ hội từ các hoạt động này, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, bản thân các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt…, để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản.
Ngoài việc phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và kích cầu nội địa, các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa do Hà Nội tổ chức còn mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, xuất khẩu sản phẩm. Bởi, với 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, đồng thời có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước cũng như xuất khẩu.
Điển hình như tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” với sự tham gia của 200 doanh nghiệp công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, dịch vụ…, do Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 5, hàng loạt các thông tin tích cực liên quan đến cơ hội xuất khẩu đã được các nhà phân phối chuyên nghiệp đưa ra.
Theo ông Choi Dong Chul, Phó Giám đốc cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, 50 doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam để chế biến sản phẩm sâu hơn, trước khi xuất khẩu. Ngay tại hội nghị, Công ty TNHH Mega Market Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 17 doanh nghiệp, còn Công ty TNHH Bán lẻ BRG thỏa thuận với 8 doanh nghiệp để hợp tác xuất khẩu.
Rõ ràng, các hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt do Hà Nội tổ chức là một trong những giải pháp quan trọng để triển khai hiệu quả việc kích cầu thị trường nội địa cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.